Mùa hè của trẻ em thời công nghệ

Đối với phụ huynh chăm sóc con cái trong những tháng hè là khó khăn không nhỏ. Nhiều gia đình, các thiết bị công nghệ dần trở thành một 'công cụ trông trẻ', khi cha mẹ còn phải đi làm.

Thăm khám trẻ cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: BVCC.

Thăm khám trẻ cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: BVCC.

Khi không gian vận động, vui chơi của trẻ ngày càng bị thu hẹp tại các khu đô thị thì dường như chỉ khi có thiết bị công nghệ trong tay, những đứa trẻ mới có niềm vui, đương nhiên, phụ huynh cũng hài lòng với những đứa con yên tĩnh và ngoan ngoãn khi chúng làm bạn cùng điện thoại, máy tính bảng. Bất chấp hậu quả mà những công cụ này có thể gây ra cho trẻ nhỏ đã được các cơ sở y tế cảnh báo rất nhiều.

Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt. Trong đó 2/3 trẻ em mắc chứng cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị. Trung bình cứ 10 học sinh thì có ít nhất 3 học sinh mắc bệnh cận thị hoặc bị các tật khúc xạ về mắt và đang có dấu hiệu tăng dần.

Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, ngày càng nhiều trẻ em mắc phải rối loạn Tic – đây là căn bệnh gặp ở trẻ dưới 18 tuổi gây ra những cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Bệnh nhân khi đến khám thường có một trong các biểu hiện như nháy mắt, chun mũi, nhún vai, nhăn trán, lắc đầu, giật cơ hàm hay tắc lưỡi, thở dài, ho, lẩm bẩm, hắng giọng, la hét...

Được biết, bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ. Trẻ mắc rối loạn Tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad... quá nhiều.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần cũng cho thấy, hè năm nào cũng có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game, internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.

BS Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi của Viện cho biết, sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện.

Các bậc phụ huynh cần nghĩ đến khả năng trẻ nghiện internet, nghiện game khi trẻ sử dụng internet không với mục đích học tập, làm việc từ 1 đến 2 tiếng hoặc trên 4 tiếng/ngày, kèm theo các biểu hiện như tăng thời gian sử dụng, giảm hứng thú với các hoạt động khác, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian sử dụng…

Việc xem các thiết bị điện tử là giao tiếp một chiều, khiến trẻ rất khó phát triển ngôn ngữ, vì trẻ chỉ nghe, không phản hồi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, tốt nhất không nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, tivi, máy tính… Đối với trẻ lớn hơn, việc sử dụng các thiết bị điện tử là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên khó khăn cho trẻ trong phát triển ngôn ngữ, trong học tập, các mối quan hệ xã hội.

BS Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, trẻ ở mỗi độ tuổi nên có mức độ tiếp xúc với điện thoại khác nhau. Với trẻ từ 3 đến 6 tuổi, WHO khuyến cáo độ tuổi này không nên để trẻ tiếp xúc với màn hình quá 1 giờ mỗi ngày. Trẻ từ 7 đến 11 tuổi là độ tuổi này dễ nghiện điện thoại nhất. Không thể cấm đoán hoàn toàn con sử dụng các thiết bị điện tử, thay vì ngay lập tức cấm con không được chơi điện thoại hay tivi, thì hãy thiết lập quy tắc giảm dần thời gian, bắt buộc con phải tuân theo, nếu vi phạm sẽ bị phạt làm việc nhà…

Trẻ từ 12 đến 16 tuổi đang trong giai đoạn dậy thì, bắt đầu nhận thức về bản thân. Cần phải quản lý thời gian, ví dụ như chỉ cho phép con được sử dụng điện thoại hay máy tính bảng vào buổi tối để làm bài tập ở nhà. Hạn chế con vào mạng để giải trí (như chơi game, xem Youtube) và khuyến khích con sáng tạo (đồ họa, chỉnh sửa video, lập trình).

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mua-he-cua-tre-em-thoi-cong-nghe-10280790.html