Một thời hoa lửa
Dù những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng mỗi độ tháng 4 về, ký ức hào hùng của một “thời hoa lửa” lại ùa về trong tâm trí của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hồng Duyên ở thôn Lê Lợi, xã Nhuế Dương (Khoái Châu). Với ông, được cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của đất nước là niềm tự hào và cũng là hồi ức không thể nào quên.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Duyên, thôn Lê Lợi, xã Nhuế Dương (Khoái Châu) với cuộc sống đời thường
Bên chén trà nóng, CCB Duyên xúc động nhớ về vùng đất kỷ niệm gắn với những trận đánh ác liệt trong đời lính của mình: “Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Vào đến chiến trường trong lúc cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt, đế quốc Mỹ tàn ác giết hại đồng bào ta, tôi được bổ sung vào Ban Thông tin của Quân khu Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ chính là trực tiếp chuyển lệnh chiến đấu đến các đơn vị trực chiến ngoài chiến trường. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên đối mặt trực diện với kẻ thù nên tôi cùng các đồng đội luôn sẵn bên mình một khẩu súng AK cùng nhiều băng đạn, trong đó, 1 viên đạn đã lên nòng sẵn sàng. Vượt sông, băng rừng, không quản ngày, đêm, chúng tôi phải tự chủ động nguồn thức ăn ở rừng, tự đào hầm làm nơi trú ẩn và tự trinh sát để di chuyển bảo đảm lệnh chiến đấu được giao đúng thời gian”. Nói đến đây, giọng ông Duyên như trùng xuống, bồi hồi nhớ lại những giây phút cận kề cái chết, nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh. Năm 1971, ông Duyên được điều chuyển sang làm nhiệm vụ phân phối các phụ kiện cho các đài chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt. Những ngày chiến đấu gian khổ với kẻ thù càng thôi thúc ý chí vững vàng của ông Duyên cùng đồng đội. Sau nhiều lần di chuyển, đến ngày 28.4.1975, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đóng quân ở cánh đồng của xã Bình Tân (Long An) và sử dụng rơm, rạ để ngụy trang chờ lệnh. Đến ngày 29.4.1975, cả đơn vị nghe được tin báo quân ta giành được nhiều thắng lợi lớn, ai cũng sục sôi ý chí quyết tâm sẵn sàng tiến vào Sài Gòn. Ngày 30.4.1975, khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, lính ngụy chạy tán loạn, để đề phòng quân địch phản kháng, đơn vị của ông Duyên nhận nhiệm vụ đào hầm, sẵn sàng chiến đấu phản kích, thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp tàn dư của quân Ngụy. Thời gian sau đó, ông Duyên được giao nhiệm vụ huấn luyện bộ đội chuyên rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Năm 1976, ông Duyên được đơn vị cử sang Liên Xô học về cơ điện. Đến năm 1979, ông về nước công tác tại Cục điện ảnh và về nghỉ hưu năm 1993.
Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, song những ký ức của một thời lửa đạn vẫn in sâu trong tâm trí ông Duyên. Đến nay, ông vẫn giữ đúng lời hứa với những người đồng đội đã ngã xuống, trở về với cuộc sống thời bình, tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, dồn tâm sức, phấn đấu góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202205/mot-thoi-hoa-lua-4be0795/