Một số giải pháp thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tự nhiên - xã hội của từng vùng dân tộc thiểu số
Trong thời kỳ đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, cách phân định vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ được đánh giá là ngày càng mang tính khoa học, hợp lý, phù hợp với mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ khác nhau, tạo ra những bước đột phá to lớn trong việc đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững các vùng dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường phối hợp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xã hội của từng vùng.
Đại đoàn kết toàn dân tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, năm 2014 - ảnh: Thu Hà
Vị trí chiến lược quan trọng của vùng dân tộc thiểu số
Ở nước ta, phần lớn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống là vùng miền núi, vùng biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, mà trước hết là tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản và vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước. Đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng và đã được thực tế lịch sử khẳng định từ xưa đến nay, các thế lực thù địch bên ngoài đều sử dụng địa bàn miền núi để xâm nhập, phá hoại sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta.
Các vùng dân tộc thiểu số đã từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống đế quốc, thực dân. Trong giai đoạn hiện nay, các vùng dân tộc thiểu số giữ vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và đối với sự nghiệp an ninh, quốc phòng nói riêng.
Trên lĩnh vực kinh tế, các vùng dân tộc ở nước ta là nguồn cung cấp tài nguyên, khoáng sản, năng lượng, nhất là thủy điện, than, các sản phẩm nông, lâm nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thiên nhiên và xã hội vùng dân tộc thiểu số là địa bàn thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhiều vùng dân tộc thiểu số là cửa ngõ giao lưu kinh tế với nước ngoài thông qua các cửa khẩu quốc tế.
Trên lĩnh vực văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số là người trực tiếp quyết định việc bảo tồn, phát triển làm phong phú nền văn hóa dân tộc và phát huy nội lực của văn hóa để ngăn chặn và đấu tranh chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại.
Trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng trực tiếp tạo sự ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; là yếu tố quyết định làm vô hiệu hóa âm mưu chia rẽ, lôi kéo của các thế lực thù địch, trực tiếp phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động chống phá của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Về việc phân định vùng trước đây và hiện nay
Ở nước ta khái niệm phân định vùng được chia thành nhiều cách tùy theo đặc điểm tự nhiên theo khu vực sinh thái chia ra theo từng vùng, từng tiểu vùng hoặc theo đặc điểm xã hội của từng dân tộc, từng nhóm ngôn ngữ hay theo trình độ phát triển của từng khu vực. Trước đây, cũng có thời kỳ việc phân định vùng dân tộc theo địa bàn sinh sống của dân tộc đa số và dân tộc thiểu số và cách phân định này chia thành 2 vùng “miền xuôi và miền ngược” (vùng đồng bằng và vùng miền núi, trong đó người Kinh chiếm 3/4 dân số cả nước, chủ yếu cư trú ở vùng đồng bằng, còn 1/4 dân số còn lại là đồng bào các dân tộc thiểu số phân bố rải rác trên các địa bàn miền núi với 3/4 diện tích của cả nước) với phương châm: miền ngược tiến kịp miền xuôi. Tuy nhiên, từ những năm 1960, ở vùng miền núi phía Bắc, sau khi thực hiện chính sách vận động đồng bào ở các vùng đồng bằng đi xây dựng kinh tế mới, vùng miền núi đã có sự biến động đáng kể về dân số và thành phần dân tộc ở các địa phương thuộc vùng này. Tương tự, ở Tây Nguyên sau giải phóng năm 1975, các địa phương ở vùng này cũng có sự biến động lớn về dân số và thành phần dân tộc thì cách phân định này không còn phù hợp nữa.
Hiện nay, theo cách phân định theo khu vực sinh thái thì Việt Nam hiện có hai vùng sinh thái lớn: vùng đồng bằng (gồm cả đô thị) và vùng trung du miền núi. Trong mỗi vùng lại có các tiểu vùng khác nhau, chẳng hạn vùng đồng bằng có thể chia làm 3 tiểu vùng là đồng bằng sông Hồng; vùng đồng bằng ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Vùng trung du và miền núi có thể chia thành ba tiểu vùng: Đông Bắc, Tây Bắc - Bắc Trung Bộ và Trường Sơn - Tây Nguyên1. Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước với việc phân vùng theo các vùng kinh tế cũng có thể phân định được các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách dân tộc ở từng vùng, cụ thể như cách phân vùng sau:
- Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Vùng Miền đông Nam Bộ.
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Vùng Tây Nguyên.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cách phân định vùng như trên có ý nghĩa rất quan trọng cho việc đề ra chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược quy hoạch tổng thể của Chính phủ để phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa của mỗi vùng. Vì thế, để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho từng vùng và cả nước, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ra nhiều Nghị quyết chuyên đề ở từng vùng để định hướng cho sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực.
Theo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thì phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng núi Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng phù hợp với đặc điểm cư trú, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Do vậy, trong việc thực hiện chính sách dân tộc cần chú ý đặc điểm của từng vùng, từng tiểu vùng, trên cơ sở phân định phù hợp để có những chính sách riêng nhằm phù hợp với từng vùng, từng tiểu vùng. Nếu không có chính sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng, quá trình triển khai thực hiện chính sách khó đạt được kết quả như đã đề ra. Cụ thể như:
Vùng núi phía Bắc được chia làm 2 tiểu vùng. Tiểu vùng Tây Bắc gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Tiểu vùng Đông Bắc gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Vùng miền núi phía Bắc là địa bàn cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Tày - Thái, Tạng - Miến và Môn Khmer. Trong các dân tộc này, nhóm nói ngôn ngữ Tạng - Miến thường cư trú ở vùng cao, vùng biên giới, còn nhóm ngôn ngữ Tày - Thái sinh sống ở vùng thấp, đã có truyền thống định canh, định cư có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển, chủ yếu là dân tộc Tày, Thái, Nùng, Mường... Vì vậy, khi thực hiện chính sách dân tộc ở vùng này cần chú trọng sự khác nhau giữa ba vùng gồm: vùng cao - vùng giữa - vùng thấp.
Ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, từ Bắc vào là địa bàn cư trú của các dân tộc Chứt, Bru - Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ tu, Xơđăng, Hrê, Chơro... Các dân tộc này thuộc hai ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Đây là hai nhóm cư dân có quan hệ gần gũi nhau về kinh tế, văn hóa và trình độ phát triển nên việc thực hiện chính sách dân tộc ở vùng này ít có sự khác biệt.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, là nơi sinh sống của dân tộc Kinh (chiếm 92%), Khmer (7%), Hoa (0,76%), Chăm (0,07%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở vùng này cần chú trọng đến tính đặc thù của dân tộc Khmer (cư trú ở 10 tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, tập trung đông ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang) và dân tộc Chăm chủ yếu tập trung ở một số huyện của tỉnh An Giang vì hai dân tộc này ngoài yếu tố dân tộc còn có yếu tố đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong những năm gần đây, nhằm thực hiện chính sách dân tộc thông qua các chương trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm, việc phân định vùng dân tộc theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội đã được chia thành 3 khu vực như:
Khu vực I: gồm các trung tâm đô thị, thị trấn và khu vực công nghiệp. Khu vực này có số dân chiếm khoảng 28% dân số của các vùng dân tộc. Đây là khu vực đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa trong cả nước, có tốc độ phát triển cao hơn mức bình quân, có vai trò thúc đẩy và kích thích sự phát triển của các vùng.
Khu vực II: gồm các xã khó khăn, chưa phát triển bằng khu vực I, là vùng tiếp giáp giữa khu vực I và khu vực III. Vùng này có khoảng 43% dân số của các vùng. GDP bình quân đầu người của khu vực này bằng 70% mức trung bình của cả nước.
Khu vực III: là khu vực khó khăn nhất, có số dân chiếm khoảng 29% số dân các vùng núi. Đây là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cực kỳ thấp kém, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước.
Tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số từ Chương trình 135 của Chính Phủ đến nay
Để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, Chính phủ đã phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển (khu vực I: Khu vực đã phát triển; khu vực II: Khu vực đã phát triển nhưng còn nhiều khó khăn; khu vực III: Khu vực đặc biệt khó khăn) là một bước đột phá trong xây dựng chính sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135). Sau khi tiến hành phân định miền núi nước ta thành ba khu vực theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội của 10 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi với tổng số 4.360 xã và chọn ra 2.325 xã khó khăn nhất để thực hiện chính sách đầu tư phát triển nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc phân định vùng dân tộc thiểu số gồm 3 khu vực theo trình độ phát triển, Chính phủ còn phân định theo khu vực tỷ lệ đói nghèo cao theo Nghị quyết 30a về hỗ trợ 62 huyện nghèo (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm)… là những cách phân định cụ thể để có những chính sách sát hợp, là những cách phân định khoa học nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, giữa các địa phương nhằm thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có không ít các địa phương do tâm lý “cục bộ” muốn có nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn để được nhà nước đầu tư, thụ hưởng chính sách từ ngân sách Trung ương nên đã tổ chức phân định chưa phù hợp với tiêu chí và điều kiện thực tế ở địa phương theo quy định hiện hành nên việc phân định chưa thật sự công bằng, minh bạch giữa các địa phương. Do vậy, vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là nơi có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Để tiếp tục xây dựng cụ thể tiêu chí xã theo trình độ phát triển 3 khu vực nhằm điều chỉnh, bổ sung danh sách xã khu vực I, II, III, Ủy ban Dân tộc đã dự thảo quyết định về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 như sau:
Tiêu chí xã khu vực I: Là xã bước đầu phát triển thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% hoặc xã đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiêu chí xã khu vực II: Là xã còn khó khăn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi xác định xã khu vực III và khu vực I.
Tiêu chí xã khu vực III: Là xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ dân tộc thiểu số nghèo/xã. Trường hợp các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% hoặc đối với các xã thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long từ 12% đến 15% nếu có một trong các điều kiện sau thì được xác định là xã đặc biệt khó khăn gồm: xã có 60% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của xã; xã có từ 20% trở lên số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 mù chữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xã có trên 80% lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên; xã có đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã trên 20 km.
Giải pháp thực hiện chính sách dân tộc phù hợp đặc điểm tự nhiên và xã hội của từng vùng dân tộc thiểu số
Thực tế cho thấy, có thể có nhiều cách phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển khác nữa như theo từng dự án cụ thể của dân tộc. Nhưng mục đích cuối cùng là để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo hướng phát triển bền vững phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa, tập quán của từng vùng, từng tiểu vùng, từng địa phương, từng dân tộc, từng nhóm dân tộc cụ thể nhằm cùng cả nước thực hiện mục tiêu của Đảng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, cách phân định vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ để phù hợp với mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ khác nhau đều là những phân định khoa học, hợp lý đã tạo ra những bước đột phá to lớn trong việc đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, khai thác được những tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên cơ sở:
1. Triển khai thực hiện nhất quán trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cơ sở thực hiện các Chương trình hành động, các Quyết định phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ theo đúng quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt; kiên quyết xử lý những sai phạm trong việc thực hiện hay tùy tiện thay đổi quy hoạch làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dẫn đến thất thoát, lãng phí.
2. Đảm bảo mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo các giai đoạn Chính phủ đã đề ra theo Nghị quyết số 88, 120 của Quốc hội trên cơ sở lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chương trình thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số… từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền nhằm đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Đặc biệt, tập trung thực hiện trách nhiệm giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
3. Phân cấp, phân quyền cho các địa phương vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để chủ động hoạch định kế hoạch phát triển nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng tiểu vùng, từng địa phương để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái… trên cơ sở phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc nhằm giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
4. Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo quy định. Đồng thời, có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đổi mới tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, có cơ chế, chính sách biểu dương, tôn vinh những người có uy tín, già làng, trưởng bản có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc.
5. Đẩy mạnh công tác phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và tập quán của các dân tộc; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể. Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chú thích:
1. Khổng Diễn: Đa dạng vùng và dân tộc, khả năng giải quyết trên phương diện văn hóa của Nhà nước, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2002.