Một số đơn vị còn lúng túng khi áp dụng giảm thuế VAT
Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% (từ 10% xuống 8%), theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, mức giảm thuế VAT lại không áp dụng cho tất cả mặt hàng khiến một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán gặp nhiều lúng túng.
Nhầm lẫn chủ yếu là phân biệt mã kinh tế và mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế VAT. Đại diện một số doanh nghiệp, kế toán cho biết: Việc căn cứ vào mã hàng hóa, dịch vụ để xác định đối tượng được áp dụng thuế VAT rất rộng. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm, kinh doanh siêu thị… có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mã hàng hóa thì khâu tra cứu đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Đề cập về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Do thời gian ban hành Nghị định sát với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nội dung của Nghị định này chưa được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận một cách đầy đủ.
Do vậy, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện yêu cầu các đồng chí cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế VAT trên địa bàn.
“Mục đích lớn nhất của Nghị định 15 là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Do đó, Nghị định quy định các bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế VAT, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm VAT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế VAT) từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022, cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 1/2/2022”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Theo Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC, để giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán sớm đưa chính sách nhân văn này vào cuộc sống, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lập danh sách các mặt hàng, dịch vụ mà mình đang kinh doanh, sản xuất gồm những sản phẩm nào.
Bước 2: Tra cứu xem ứng với từng mã sản phẩm hàng hóa dịch vụ đã lập ở danh sách ở bước 1 có mã sản phẩm là gì, theo quy định ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018.
Bước 3: Sau khi đã có các mã hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, sản xuất ở bước 2, doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đem mã từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này so với mã hàng hóa dịch vụ được quy định ở Phụ lục số I, Phụ lục số II, Phụ lục số III ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Nếu mã hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế VAT 10%.
Ngược lại, nếu mã hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất không có trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế VAT 8%.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế VAT sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm trực tiếp 2% chi tiêu bình quân. Điều này sẽ góp phần kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước dần phục hồi và mở rộng sau Tết. Tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách này sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước của năm nay khoảng gần 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.