Một nghệ nhân cần được giúp đỡ

Giấy hẹn tái khám. Ảnh: CTV

Mỗi sáng, mỗi chiều, ngôi nhà nhỏ ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa của nghệ nhân Hồ Duy Nhiên thường vang lên những thanh âm réo rắt, lả lướt từ cây đàn hạ uy cầm. Tiếng đàn như tiếng lòng, trở thành tri kỷ, nâng niu tâm hồn mẫn cảm của nhiều người.

Thế nhưng từ khi anh đổ bệnh đến nay, người dân địa phương không còn nghe những âm thanh ấy vang lên nữa.

Người hết lòng với nghệ thuật truyền thống

Nghệ nhân Hồ Duy Nhiên là nghệ sĩ chân đất, anh đến với âm nhạc truyền thống từ rất sớm. Với sở trường là đàn hạ uy cầm, tiếng đàn của anh hầu như có mặt ở tất cả các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở các cấp, từ cơ sở cho đến tỉnh và không ít lần vươn xa hơn. Với chiếc xe máy cà tàng, anh sẵn sàng gác lại công việc đồng áng có mặt đúng giờ tại các buổi tập luyện, biểu diễn văn nghệ, khi ở Phú Hòa, lúc sang Đông Hòa hay xuống Tuy Hòa… Anh hiện là hội viên Chi hội Sân khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Chi hội Sân khấu huyện Phú Hòa.

Bệnh tình kéo dài, tiền thuốc men, viện phí quá lớn, trong khi hoàn cảnh gia đình của nghệ nhân Hồ Duy Nhiên rất khó khăn. Mọi thứ trong nhà có thể bán được, chị Diệp - vợ anh đều đã bán; hoặc nơi nào có thể mượn tiền được chị đều đã mượn để chữa bệnh cho chồng.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Dương Kim Hoàng (Mai Hoàng), Chi hội phó Chi hội Sân khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh - người anh cũng là người bạn đờn lâu năm với nghệ nhân Hồ Duy Nhiên, không chỉ trong tỉnh mà trong nước, những nghệ sĩ sử dụng nhạc khí hạ uy cầm có thể đếm trên đầu ngón tay. Lớp trẻ tiếp nối trong việc bảo tồn những sắc thái đặc biệt của cây đàn có nguồn gốc từ hòn đảo Hạ Uy Di (quần đảo Hawaii) nên còn gọi là hạ uy di hay guitar Hawaii, lại càng hiếm hơn.

“Trong những nghệ sĩ hạ uy cầm của Phú Yên, anh Hồ Duy Nhiên là số một. Tùy theo cách chỉnh dây mà anh có thể chơi được nhiều thể loại: đờn ca tài tử, cổ nhạc, tân nhạc… trên cùng cây đàn này. Anh là người hết lòng với nghệ thuật, sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ. Mặc dù đã bước sang tuổi 65 nhưng ngón đàn của anh vẫn ngọt lịm, lả lướt và vẫn chưa có người thay thế. Đặc biệt, lúc nào anh cũng tha thiết với âm nhạc, với cây đàn mà anh luôn giữ sự thủy chung như anh đã từng tâm sự”, Nghệ nhân Ưu tú Mai Hoàng cảm khái.

Bạo bệnh trong cảnh ngặt nghèo

Thế nhưng, mấy năm trước, bỗng nhiên nghệ nhân Hồ Duy Nhiên bị bệnh Parkinson (rối loạn thần kinh). Sau một thời gian trở đi trở lại, từ đầu năm nay, bệnh tình của anh trở nên trầm trọng.

Chị Lê Thị Diệp, vợ của nghệ nhân Hồ Duy Nhiên cho biết: Sau khi bệnh tái phát, gia đình đã đưa anh nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức chống độc tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, bệnh tình ngày một nghiêm trọng, anh thường lên cơn co giật, đau đầu dữ dội rồi hôn mê sâu. Ngày 8/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển anh vào Bệnh viện Quân Y 175 (TP Hồ Chí Minh). Được các y bác sĩ của bệnh viện tích cực điều trị trong thời gian 10 ngày, bệnh tình tiến triển khoảng 40%.

Nhưng “họa vô đơn chí”, khi bệnh cũ điều trị chưa khỏi, thì mắc thêm bệnh mới. Đôi mắt bị tăng nhãn áp, nên bác sĩ phải chuyển anh sang khoa Mắt để phẫu thuật, vì nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh tình kéo dài, tiền thuốc men, viện phí quá lớn, trong khi hoàn cảnh gia đình nghệ nhân Hồ Duy Nhiên rất khó khăn. Mọi thứ trong nhà có thể bán được, chị Diệp đều đã bán; hoặc nơi nào có thể mượn tiền được chị đều đã mượn để chữa bệnh cho chồng. Tài chính đã cạn kiệt, không thể tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh để điều trị, buộc lòng chị phải xin cho anh xuất viện.

Ngày 27/3, Bệnh viện Quân Y 175 cho anh xuất viện về Phú Yên và hẹn ngày tái khám. Nghe tin, anh chị em văn nghệ sĩ đến thăm, nhìn anh nằm hôn mê, bất động ai cũng xót xa. Những cơn đau đầu vẫn tra tấn anh, trong khi đôi mắt không thấy đường, tay chân bị liệt, chỉ nằm một chỗ, việc chăm sóc cho anh rất khó khăn. Chưa hết, mặc dù may mắn qua được cửa tử thần, nhưng anh lại bị liệt dây thanh quản không nói được.

Vì không có điều kiện để vào Bệnh viện Quân Y 175 tái khám như giấy hẹn, nên ngày 5/4, gia đình đưa anh vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để điều trị.

Mong rằng những tấm lòng thiện nguyện cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần để nghệ nhân Hồ Duy Nhiên có thể vượt qua bệnh tật, sớm bình phục, tiếp tục cống hiến những tiếng tơ đồng cho phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương.

Mọi sự đóng góp xin liên hệ trực tiếp với Báo Phú Yên qua số điện thoại: (0257)3842488 - 3841043 hoặc gửi trực tiếp về Hồ Minh Dũng (con trai của nghệ nhân Hồ Duy Nhiên), số tài khoản: 4443677, ngân hàng ACB.

TRỌNG THỐNG - PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/298301/mot-nghe-nhan-can-duoc-giup-do.html