Một ngày cùng lính công binh ở Tả Mù Cán

Chúng tôi đến bản Tả Mù Cán, xã Xín Mần, huyện Xín Mần (Hà Giang) cao 2.000 m so với mực nước biển cùng cán bộ, chiến sĩ Ðại đội công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hà Giang đi dò gỡ mìn vào buổi sáng mùa đông sương giăng trắng núi. Ở đó, tôi đã thấy sự dũng cảm tuyệt vời của những người lính đang ngày đêm vượt qua nguy hiểm để vùng 'đất chết' nơi phên giậu Tổ quốc được hồi sinh.

Các chiến sĩ thuộc Ðại đội công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang dò mìn.

Các chiến sĩ thuộc Ðại đội công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang dò mìn.

Tôi co ro trong cái rét tím đôi bàn tay, cố bám theo hàng quân đang rẽ sương tới "trận địa" ở sườn nam của núi Tả Ngài Tủng, bản Tả Mù Cán. Chỉ cách khu vực lán trại dã ngoại của đại đội khoảng 1 km đường chim bay nhưng phải mất hơn hai giờ hành quân theo đường núi quanh co, vượt qua nhiều dốc cao, khe sâu chúng tôi mới tới mép bãi mìn. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác chuẩn bị xong, sương cũng đã tan dần. Một khu đất rộng chừng một ha hiện ra, đập vào mắt tôi là những đống tro và nhiều hố nhỏ rất đều nhau. Trung tá Vũ Hồng Mạnh, Trợ lý Công binh Bộ CHQS tỉnh là người trực tiếp phụ trách toàn bộ hoạt động của đại đội giải thích: "Ðó là hố bước chân, vuông 30 cm, sâu đến đất cái, khoảng 7 - 10 cm. Hố đã được dò thủ công bằng thuốn để tạo sự an toàn cho chiến sĩ khi chặt cây phát quang trong bãi mìn".

Tiếng còi kèm theo khẩu lệnh "bắt đầu thực hiện nhiệm vụ" của chỉ huy đại đội vọng vào sườn núi, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương bắt tay vào việc. Ðội hình dò gỡ mìn triển khai theo hình bậc thang. Nấc thang đầu tiên do Trung úy Lê Văn Tuyến điều khiển máy dò đeo vai ký hiệu TM88. Anh khởi động, đưa bàn đế máy qua mép bãi mìn, chợt tiếng kêu "tít tít" liên lục vang lên. Anh nhẹ nhàng lấy lá cờ nhỏ mầu đỏ ở túi đồ nghề đeo bên hông cắm xuống vị trí có mìn rồi tiến về phía trước. Ði được 10 m chiều dài, quét 2 m chiều ngang anh Tuyến đã phải dùng tới 20 chiếc cờ. Anh Mạnh quay sang tôi nói vừa đủ nghe: "Mìn dày đặc quá!". Rồi anh hạ lệnh máy dò nấc thang thứ hai bắt đầu và cứ như vậy tới nấc thang thứ năm thì sườn núi rực mầu cờ đỏ và đội hình gỡ mìn đã được lệnh vào vị trí.

Khi đội hình gỡ mìn đang trải đều khắp sườn nam núi Tả Ngài Tủng chợt phía Tiểu đội 3, Trung đội 2, binh nhất Hà Văn Tuấn phát hiện ra quả mìn điện. Trung tá Vũ Hồng Mạnh lấy ngón tay miết nhẹ lên vỏ quả mìn và kết luận, đó là mìn điện PPM2, nằm dưới đất hơn 20 năm. Sau này tôi mới biết anh Mạnh căn cứ vào lớp đất bám vào mặt để xác định "niên hạn ngủ" của nó. Vì đối với loại mìn này lúc mới có một lớp dầu bóng mỏng trên bề mặt. Sau 20 năm lớp dầu bóng đó sẽ mất đi và gioăng cao-su cũng sẽ hỏng, nếu đưa lên khỏi lòng đất nó sẽ phát nổ tức thì. Anh Mạnh kết luận hủy tại vị trí.

Chúng tôi được biết, những quả mìn điện dạng này và các chủng loại khác nhiều năm nay cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn phải đối diện với nó. Có những loại được phép gỡ, nhưng có loại phải hủy ngay tại thực địa. Nhưng dù đó là loại nào nếu thực hiện không đúng quy trình, hiểu biết về mìn chưa sâu hay chỉ lơ là thiếu quan sát, thiếu tập trung sẽ phải trả giá bằng xương máu của mình và đồng đội.

Bãi mìn núi Tả Ngài Tủng được xác định trong bản đồ của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Bãi mìn được hình thành trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nên việc bố trí quả nổ không theo quy luật. Với việc tín hiệu mất an toàn dày đặc, theo kinh nghiệm hơn 20 năm "làm nghề" dò gỡ mìn anh Mạnh nhận định, ngoài các loại mìn: 652A, K58, K69, K72, MD82B, MN79, PPM2; mìn chống tăng; mìn định hướng, mìn phóng, bom Z2, bãi mìn Tả Ngài Tủng sẽ có thêm các loại bẫy như: bẫy lựu đạn, thuốc nổ trong các chai lọ thủy tinh, mảnh thép, vật cản nổ, chông sắt. Nhận định này là có cơ sở vì các anh đã được trải nghiệm ở rất nhiều bãi mìn khu vực biên giới phía bắc.

Ðể làm sạch được đất, cán bộ, chiến sĩ đại đội sẽ phải thực hiện đúng theo Quy trình rà phá bom mìn vật nổ trên cạn ở địa hình rừng núi. Ðó là sau khi dò bằng máy dò, gỡ mìn đến độ sâu 30 cm, các anh lại tiếp tục dò làm sạch đất đến độ sâu 7 m. Ðối với bom mìn vật cản nằm sâu dưới lòng đất đều phải xử lý bằng việc đào hố rộng mang vật nổ lên khỏi đất hoặc hủy tại vị trí đối với mìn có sự nguy hại cao.

Khi trời nhá nhem tối, sương muối lại ập đến, cuối cùng quả nổ 126 đã được mang lên khỏi lòng đất an toàn, kết thúc một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc, cán bộ, chiến sĩ lại trở về doanh trại dã ngoại. Hàng quân rộn rã tiếng nói cười. Tôi biết ngày mai họ lại đến nơi này tiếp tục bước dò sâu với quyết tâm làm sạch bãi mìn trước mùa đông để bàn giao đất cho nhân dân kịp vào mùa ngô mới. Và tôi miên man nghĩ về những nương ngô, rẫy sắn bội thu sẽ đón mùa xuân về sớm hơn ở vùng đất vừa được hồi sinh nơi biên cương Tổ quốc.

Từ năm 2003 đến nay, Ðại đội công binh, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang không để xảy ra mất an toàn. Cán bộ, chiến sĩ đã làm sạch hơn 450 ha đất khu vực biên giới của 32 xã ở các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Ðồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang); thu gom 26.300 mìn, đầu nổ, đạn pháo cối các loại; 1.253 kg thép gai, chông, cạm bẫy sắt... Nhiều năm liền đại đội được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen.

Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21968202-mot-ngay-cung-linh-cong-binh-o-ta-mu-can.html