'Một kiếp văn chương say đắm thế…'
Mỗi lần có việc đi qua phố Trương Hán Siêu (Hà Nội) tôi thường nhớ tới nhà văn Phong Thu. Khi ông còn sống, tôi thi thoảng lại leo cầu thang lên tầng 5. Khu tập thể nhà văn Phong Thu ở suốt mấy chục năm trời, phía dưới có thùng thư đề tên ông…
1.Nhà văn Phong Thu sinh năm 1934, ông mất ngày 30/12/2020. Như vậy, tính đến nay, ông đã rời xa bạn viết, bạn đọc tròn 3 năm.
Sinh thời, cứ tháng 12 như thế này, thể nào ông cũng lui cui trong “buồng văn” nhỏ bé, nơi có chiếc hòm gỗ cũ kỹ với biết bao kỷ niệm, để ngồi viết những bài báo Tết.
Ông cộng tác với nhiều tờ báo, và Tết đến, ngoài những tờ báo cộng tác thường xuyên, ông còn gửi bài cho nhiều tờ báo khác nữa…
Nhắc đến Phong Thu, nhiều người có thể nhớ đến một cuộc đời làm báo tận tụy, từ hồi làm báo Thiếu niên Tiền phong cho tới tận những ngày tháng cuối đời.
Nhưng ấn tượng hơn cả, đằm sâu vào tâm trí nhiều người từng qua những năm tháng ấu thơ khi đất nước còn cam khó, đó là những bài thơ, những truyện ngắn nhỏ mà ấm, ngắn mà động, như: “Bác Hồ - người cho em tất cả”, “Ong vàng biết quý thời gian”, “Năm cánh sao vui”, “Hoa thơm tặng chú thương binh”, “Đi tìm việc tốt”, “Cây bàng không rụng lá”, "Xe Lu và xe Ca"...
Vào những năm cuối đời, dù tuổi đã cao, nhưng ai đến thăm ông ở căn hộ trên tầng 5 của khu tập thể phố Trương Hán Siêu (Hà Nội), Phong Thu đều nhiệt tình tiếp đón. Với chiếc máy trợ thính, khuôn mặt và giọng nói toát lên vẻ nhẹ nhõm, ông cuốn người nghe vào câu chuyện của mình.
Trò chuyện với ông, thấy tâm hồn ông lúc nào cũng trẻ trung, có lẽ vì thế mà sau rất nhiều năm viết lách, tuổi đời càng nhiều lên nhưng giọng văn của ông lúc nào cũng trong sáng, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Tình yêu của ông với thiếu nhi bắt đầu từ những năm tháng dạy bậc tiểu học cho các em nhỏ vùng cao ở Mai Đà (Mai Châu, Hòa Bình). Ông có 12 năm gắn bó với thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi vùng cao, vừa phải dạy vừa phải hòa nhập vào cuộc sống của các em nên rất hiểu tâm lý, tình cảm lứa tuổi này.
Sau đó, thầy giáo Phong Thu quyết định xin về báo Thiếu niên Tiền phong làm việc để có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc rộng và viết về các em thiếu nhi nhiều hơn nữa.
Truyện đầu tay viết cho thiếu nhi có tên “Cái mỏ phấn” in trên Tiền phong Thiếu nhi (tờ phụ san của báo Tiền phong, 1955) ký tên Phong Thu và cả cuốn sách đầu tiên “Đi tìm việc tốt” được in năm 1966 ông cũng vẫn giữ gìn cẩn thận, có thể mang ra cho bất cứ ai muốn xem. Nhà văn Phong Thu hóm hỉnh nhớ lại, nhuận bút cuốn sách đầu tiên ấy là 7 đồng, tương đương với 23 bát phở ngon lúc bấy giờ. Ông cũng nhớ như in những tác phẩm mình sáng tác trong hoàn cảnh nào.
Chẳng hạn truyện “Cua đồng thức giấc” là vào quãng năm 1964 - 1965, lúc này ông đã là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong. Một lần, đang đạp xe về Hải Dương viết bài, thấy các em nhỏ đang bắt cua, ông hào hứng quá cũng xắn quần lội xuống bắt cua và vui đùa cùng với các em.
Đêm đến, hình ảnh buổi bắt cua vẫn ríu rít trong đầu, thế là ngồi dậy viết một mạch. Hay truyện “Xe Lu và xe Ca” lại được viết trong lúc ông đạp xe đi khắp 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên…
2.Có một điều thú vị, những tác phẩm văn chương và báo chí của nhà văn Phong Thu đều ra đời trên chính chiếc hòm được đóng bằng gỗ xoan. Cuối đời, khi đến thăm ông, tôi vẫn thấy nhà văn dùng chếc hòm gỗ làm bàn viết. Những đêm mùa đông, ông chong đèn bàn, ngồi khoanh chân viết văn, viết báo…
“
"Trong lòng tôi tự tôn nhà văn Tô Hoài là thầy. Vì tôi đọc truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” từ năm 10 tuổi. Tôi thấy văn phong của Tô Hoài rất phù hợp với trẻ em. Tôi nghĩ, anh ấy viết như thế này, thì mình viết như thế kia. Anh ấy kể chuyện vui, thì mình kể chuyện buồn. Anh ấy viết thơ thơ mộng mộng thì mình viết nhí nhảnh, nghịch ngợm. Anh ấy viết truyện nông thôn, thì mình viết truyện nhà trường, sau đó là đi vào khai thác tình cảm gia đình, bạn bè".
NHÀ VĂN PHONG THU
Với Phong Thu, chiếc hòm gỗ xoan này là vật bất li thân của ông từ năm 1956, gắn bó với những ngày đi dạy học ở vùng sơn cước. Ông đóng chiếc hòm này một năm sau ngày viết truyện đầu tiên, và kể từ đó, “chiếc hòm gắn bó như người tình”.
Đi đâu xa khoảng một tuần là ông đèo theo xe đạp. Và mặt hòm chính là chiếc bàn viết của nhà văn Phong Thu.
Hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn bài báo, gần 80 đầu sách của ông đều được hoàn thành trên chiếc hòm này.
Mặt trong của hòm, ông đề hai câu thơ: “Một kiếp văn chương say đắm thế/ Mấy đời cơm áo… hết hồn tôi”.
Có lần khi tôi hỏi, hơn nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, vậy điều gì đã khiến ông giữ được sự bền bỉ như thế? Nhà văn Phong Thu cười mủm mỉm mà rằng:
- Khi viết truyện ngắn đầu tiên mình là thầy giáo. Lúc đó mình thấy có vốn sống viết cho các em. Sau này viết thấy có kết quả thì mình tiếp tục viết. Mình không dám nói mình viết vì yêu thích thiếu nhi đâu, vì đó là cách nói cho hay ho mà thôi.
Sự thực là mình thấy khi viết cho thiếu nhi “khoái” hơn viết cho người lớn. Khi viết truyện cho các em nhỏ, mình chỉ nghĩ đến điều vui vẻ, nhẹ nhõm. Dù đã viết hàng ngàn truyện cho các em, giờ mỗi khi ngồi viết mình đều không thấy bí đề tài, vẫn hào hứng lắm. Có được nguồn năng lượng ấy bởi mình biết yêu từng khoảnh khắc, tuổi thơ từng sống ở quê như những đứa trẻ nông thôn vởi đủ trò chơi thơ trẻ…
Nói rồi Phong Thu lại cười, cái cười mủm mỉm của một người hiền đã qua ngưỡng “tám mươi xuân”. Sau cuốn sách này, nhà văn Phong Thu lại hoàn thành những sách mới của mình với tựa đề “Truyện kể ngày còn bé”, và “Cùng em học Văn”. Phong Thu đặc biệt quan tâm đến cách dạy và học môn Văn trong trường phổ thông. Ông đặc biệt nhấn mạnh, muốn viết được văn phải đọc nhiều sách, quan sát nhiều cộng với trí tưởng tượng bay bổng.
Khác với nhiều văn nghệ sĩ khác, Phong Thu là người giữ nếp sống chỉn chu, chữ viết tay của ông rất đẹp. Những năm cuối đời, dù mắt không còn nhìn rõ nữa, ông vẫn viết từng hàng chữ thẳng thớm, rồi mới dùng kính lúp để sửa lần cuối.
Ông rèn được điều này chính là nhờ những năm tháng làm nghề dạy học trên miền sơn cước. Sau này chuyển sang làm báo, sự cẩn thận lại càng là một đặc tính cần thiết, để tránh xảy ra sơ sót.
Phong Thu không có thói quen đánh máy chữ như một số bạn văn cùng thời. Về già, khi nhà nhà đều có máy tính, laptop nhưng nhà văn cũng không dùng vì ngại. Ông quen thuộc với tập giấy trắng và cây bút.
Quen cả với việc lót giấy than dưới trang bản thảo. Cách viết này từng rất phổ biến hồi trước, khi máy photocopy chưa xuất hiện, và các nhà văn cũng chưa biết máy vi tính là gì. Thậm chí, có khi Phong Thu lót hai lượt giấy than, để có được hai bản lưu, nhỡ gửi đi mà bị thất lạc.
Trong “buồng văn” rộng chưa đến 10 m2 của mình, nhà văn Phong Thu sắp xếp ngăn nắp mọi thứ, nâng niu từng trang bản thảo, cẩn thận với từng câu, từng chữ... Giờ mỗi lần đi qua phố Trương Hán Siêu, khu tập thể vẫn còn kia, nhưng nhà văn Phong Thu thì đã đi xa.
“
Nhà văn Phong Thu (tên đầy đủ là Nguyễn Phong Thu) sinh năm 1934, quê ở xã Kiên Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngoài bút danh Phong Thu, ông còn có các bút danh là Hồng Trang, Hồng Hương, Hoa Hương, Hiền Hoa... Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông được trao giải Nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương tổ chức với tác phẩm “Hoa mướp vàng” năm 1968, Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội cho tập truyện “Điểm 10” năm 1969, Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970 cho kịch bản phim hoạt hình “Cá sấu ngứa răng”...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-kiep-van-chuong-say-dam-the-10270275.html