Một đám cưới

'Thế khách mời của con là bao nhiêu… chốt đi để bố còn đặt cỗ'. 'Từ từ đã bố, con lên danh sách rồi, nhưng phải lọc, bỏ thêm nữa'.

“Thì lọc luôn, lấy danh sách cuối cùng đi”. “Chưa được, mấy hôm nay chúng con bận tăng ca tối ngày… mà còn tháng nữa mới cưới, bố vội vàng gì.

“… Hay là bố cứ đặt 10 mâm khách của con nhé”. “Ấy ấy, không được, khách của con làm gì nhiều thế…”.

“Con sống thế nào thế. Bạn ở quê, bạn cùng công ty mà cưới vợ không nổi chục mâm”. “Ôi bố, ở quê chúng nó cũng đi công ty hết rồi, trong nam ngoài bắc, mình mời rơi làm sao. Còn anh em công ty của con thì… chúng nó không thể bỏ buổi làm đi đám cưới được”.

“Thế chả nhẽ cưới con mà toàn anh em họ hàng, khách của bố mẹ à”. “Vâng, không sao đâu ạ… bố nhớ tháng trước mình lên nhà Lan “xin dâu” không… Cưới nhà gái, miền núi hẳn hoi mà lèo tèo hai chục mâm… cũng chả có khách của Lan”. “Nhà gái khác, nhà trai khác. Thôi, chốt, không lằng nhằng dài dòng. Ở nhà bố mẹ dứt khoát sẽ làm bảy chục mâm”.

“Ối chao, làm gì mà nhiều thế… Ðúng là nông dân không thoát được lề thói cổ hủ”. Vận nói xong mới biết mình lỡ lời. Lập tức, tiếng quát của bố tưởng vỡ cả máy - Láo láo… thằng này láo… mày chui từ đâu ra mà dám coi thường nông dân…

Vận nghiến răng nghe tràng chửi… Mãi, rồi bố cũng ngắt máy. Vận vật luôn ra giường. Lan từ nãy bên cạnh, ngồi im, nghe hết… Lẽ ra phải động viên Vận thì lại ca cẩm:

- Quê anh phong kiến lạc hậu thật đấy. Quê em tiếng là ở vùng dân tộc miền núi thế mà vẫn thoáng hơn. Ðấy, hồi nhà anh lên xin dâu, cho luôn, có đòi hỏi gì đâu… Ðấy, em về làm dâu nhà anh một tháng rồi, vẫn “chế độ chờ” đám cưới… có sao đâu…

- Thì hoàn cảnh xa xôi, đón dâu trước cưới sau, hai họ thống nhất rồi, em còn trách gì.

- Chuyện ấy không phải là em trách… nhưng em thấy… đám cưới thời nào rồi mà còn bày vẽ linh đình. Mà nhà anh có khá giả gì đâu.

- … Thì quê anh nó thế đấy, giàu nghèo không biết, cứ méo mặt mà tuân theo luật tục…

- Nghĩ đến cảnh về làm dâu nhà anh mà em thấy rợn hết cả người. Hay là… em tính thế này… Công ty sắp có đợt đám cưới tập thể, mình đăng ký luôn, vừa đỡ tốn kém lại nhanh gọn nhẹ người … bao nhiêu đôi cưới thế rồi, hay lắm.

- Không được, như thế sẽ… tịt đường về quê.

Lan im lặng, len lén nhìn Vận. Khuôn mặt đang căng cức kia, đôi môi đang mím chặt kia… thêm một câu nữa là to chuyện.

Quê Lan cũng nông thôn như quê Vận. Kinh tế cũng mèng mèng nhưng có lẽ do núi đồi mênh mông nên con người cũng đơn giản thoáng đãng hơn. Xã Huổi Chan nửa là người Thái bản địa, nửa là người Kinh dưới xuôi lên khai hoang. Cư dân cũ cũng như mới cũng chỉ biết bám vào đất, ruộng nương, chăn nuôi…. Mươi năm nay, núi đồi bờ bãi mới bớt hoang trọc mênh mông, mùa vụ nối nhau xanh vào chân núi. Cả xã không còn nhà nào đói nhưng cơ bản vẫn túng bấn. Mỗi khi có việc lớn như làm nhà, cưới vợ cho con… thì… hoặc là vay mượn mãi mấy năm sau mới trả hết hoặc là… chịu. Ðến thời bốn chị em Lan vẫn thế. Ba chị gái học hết lớp 9, vài năm sau lấy chồng. Lan là út may mắn được bố mẹ “nghĩ xa”, rút kinh nghiệm nên đường học có dài hơn. Nhưng đã hai năm tốt nghiệp đại học mà Lan không xin được việc.

Ruộng nương không chấp nhận người lúc nào cũng ngơ ngơ, như đứa mất vía. Một tháng nhẫn chịu, một tháng nghĩ đến tương lai mà giật mình thon thót.... nhanh chóng như cái nhọt vỡ ra... Lan trở thành công nhân công ty điện tử SD. Chưa biết có khá hơn không, nhưng đấy là đám mây, là ánh sáng… cho cho Lan bấu víu, nương theo.

Nhà Vận có truyền thống học đủ chữ rồi đi làm kiếm sống. 18 tuổi, Vận buông bỏ sách vở, thẳng một mạch từ lao động chân tay sang cơ bắp… Cũng “may”, khỏi phải choáng, khỏi phải lợn cợn cái dằm bằng cấp.

Vận làm công nhân tổ đánh vữa trong công ty sản xuất tấm lợp bro xi măng... Khỏe mạnh chăm chỉ, con nhà căn cơ, lại đang mục tiêu dành tiền để sau này cưới vợ nên cứ tăng ca là Vận có tên. Tiền thì đã tích được ba chục triệu rồi. Còn người thì… thân hình lêu đêu, mặt lẹm nhẹm đen quoắt… Chả sao, đã xuống đến đây thì phải cày đã.

Nghĩ sẽ mình sẽ không bao giờ bị ốm, thế mà tháng ấy Vận phải nghỉ bốn ngày. …Tại trời mưa, tại cái xe chở xi măng chưa có người dỡ cứ lù lù đậu trước cửa hàng vật liệu của chị Thanh. Chiều tối, Vận tan ca, người cùng xe lẹo rẹo về. Chị Thanh trông thấy, giật giọng gọi - Vận… Vận, vào đây chị nhờ…

10 giờ đêm, bao xi cuối cùng được nách xuống, Vận ngã vật luôn ra sàn, thở dốc. “Ra chị giả tiền mà về… Ơ cái thằng này định ngủ ở đây à…”. Không có tiếng đáp. “Công ba trăm, thưởng một trăm là bốn, ra kia mà làm bát phở cho lại sức…”. Im lặng. “… Thằng này hôm nay sao thế… Ối giời ôi, chết rồi, chết rồi” - Chị Thanh kêu thất thanh… Không phải Vận chết… Ðang mắt lờ đờ, dại dại… Chị Thanh lại đưa tiền, cái tay vẫn với với lên…. Chắc thằng này mệt quá, cõng cả xe xi kia mà. Chị xốc Vận dậy. Không được, một người như không xương, oặt xuống như cái rảnh bon héo.

Ì ạch mãi… chị đành ra đường cầu cứu. Cạnh nhà chị là cái “siêu thị công nhân”, khách trọ trong ngõ hay ra mua hàng… chị ngóng xem có đứa nào để nhờ chúng nó đưa Vận đi viện. Mãi mà chưa thấy, chúng nó đi làm về là nhanh nhanh chóng cơm nước rồi lên giường… giờ này chắc đang giấc mê mệt. May quá… có một cô gái… nhìn cái áo, biết ngay là công nhân công ty SD. “Em em vào đây giúp chị”... Không cần cô gái đồng ý, chị chạy ra, kéo tay lôi vào.

Lan thành “người nhà bất đắc dĩ” ở viện trông bệnh nhân. Cả đêm Vận thiêm thiếp, người nguyên một tư thế, mắt nhắm nghiền. Ðến trưa hôm sau thì Vận ngồi dậy được. Vận nhìn Lan ngạc nhiên rồi vỗ vỗ đầu… nhớ ra... hôm qua… Vận ăn hết bát cháo thì bác sĩ đến… Vận xin ra viện, Lan cũng tha thiết xin. Bác sỹ đành đồng ý rồi dặn Lan - Bệnh nhân chỉ là kiệt sức, không phải điều trị nhiều. Cháu nhớ cho cậu ấy nghỉ ngơi, bồi dưỡng, ít ngày sẽ ổn.

Từ “người nhà”, không biết từ lúc nào, Lan thành người yêu của Vận. Một tối, Vận lĩnh lương về đưa cho Lan rồi… cứ nhìn rất lạ, rồi ấp úng… - … Chúng mình cưới nhau nhé. Lan cúi đầu, vân vê tà áo… - Chúng mình mới có hơn ba chục triệu… liệu đám cưới có đủ không? Vận cười bảo, lo gì… “giàu làm kép, hẹp làm đơn”… mình cưới liền tay để còn ổn định làm ăn.

Hai công ty ở gần nhau nhưng hai nhà thì… 700 cây số. Rồi đây đám cưới thế nào…Ðón dâu không thể trong ngày, không thể bình thường như các đôi khác được. Bàn bạc, tính toán mãi… đành một cách ổn nhất - Nhà trai sẽ lên Huổi Chan hôm trước, hôm sau nhà gái tổ chức, hôm sau nữa “đưa nàng về dinh” … Về dinh rồi, hai đứa tiếp tục xuống công ty làm… độ nửa tháng, một tháng hôn lễ mới chính thức ở nhà trai.

Nghĩ ra kiểu cưới hợp lý ấy, hai đứa nhẹ cả người.

Hôm nghỉ lễ 1/5, Vận đưa Lan về báo cáo bố mẹ và nói luôn tổ chức đám cưới… như thế… như thế. Bố mẹ thoạt đầu còn ớ người ra… không được không được; nhưng sau một hồi nghe Vận phân tích thì thở dài và nhất chí.

Tháng sau, một nửa việc lớn - “đón dâu về trước” đã suôn sẻ tốt đẹp. …Thì đến chuyện số mâm này. Sau hôm bố con chẳng chuộc, Vận gọi điện về, nói nhẹ nhàng thiệt hơn… mà bố vẫn khăng khăng 70 là 70. Thôi thì đành, ế thì ế, không thể quay đầu được, công nhân rồi không thể về nếp cũ nông dân…

Tối trước ngày tổ chức hôn lễ, thông lệ là bữa bắc rạp, nội bộ anh em họ hàng, một số không đi được buổi sau... 10 mâm đã gọn ghẽ, chỉ đợi gia chủ có lời là kín chỗ. Nhưng sao nhìn mãi không thấy ông Vân. Ông đang đứng ngoài đường, ngóng con. Bà Vân ở nhà ruột gan như lửa đốt, không chịu được mấy câu “hỏi mát” cũng bỏ cỗ chạy ra đường. “Ông gọi điện cho chúng nó đi, xem đến đâu rồi”. “Gọi chục lần rồi, nó bảo không gọi nữa, 9 giờ 30 khắc về đến nhà”. “Giời ơi là giời, cưới vợ mà giờ này vẫn ở tít tận đẩu đâu”. “Thôi không kêu gào nữa, về thôi, không khách người ta bỏ về hết thì nhục”.

Ông sải bước, bà tất tưởi chạy theo.

Cỗ bày ra, sắp bay hết cả ngào ngạt… Hình như khách đoán có sự cố, đang tụ lại từng đám… chuyện phiếm, bàn tán.

Ông Vân hớt hải vào, chưa đứng nghiêm đã chắp tay nói. Các mâm kín luôn… Gia chủ có nhời rồi…Thì như mọi đám… trai lớn lấy vợ - gái lớn gả chồng… gia đình có bữa cơm thân mật mời mọi người nâng chén mừng hạnh phúc cho các cháu, mừng cho chúng tôi.

Tất cả đứng lên xong, ngồi xuống. Chén đồng loạt, chén cùng mâm, chén chúc riêng… rượu lên cao… rôm rả các loại chuyện.

“Chúng nó vẫn chưa về hả?” - có tiếng bâng quơ. “Ừ nhỉ, giờ mới để ý, không thấy mặt mũi hai đứa…”. Một mâm hỏi nhau, mâm bên cạnh tiếp sóng luôn. Chuyện khác bị ngắt, chỉ còn… hai đứa giờ này mà chưa về nhỉ.

Bị chất vấn, ông Vân chỉ còn biết xin lỗi, nói thật, như thế… như thế… mong ông bà các bác thông cảm.

Thì còn biết làm sao nữa, ngồi đây mà trách nhau thì miệng nói tai nghe. Yên tâm đi, làm gì có chuyện lạ thế giới - đám cưới vắng chú rể cô dâu đâu.

Bao nhiêu là lo lắng, chờ đợi. Cuối cùng hai đứa cũng về… kịp khi mâm đã dọn xong, chỉ còn mấy anh chị em trong nhà.

Ðợi đôi trẻ ăn xong, ông Vân phổ biến kế hoạch ngày mai. Vận nghe, liên tục vâng ạ. Ðợi bố nói hết, Vận nói luôn - Mai tổ chức xong, chúng con sẽ xuôi luôn về công ty cho kịp buổi làm sáng ngày kia ạ. Sao…Về đã muộn, lại đi sớm, nghỉ thêm một hai ngày đã chết ai…. Vận định giải thích cho bố hiểu, thông cảm nhưng thấy Lan giật giật áo nên thôi.

Buổi sáng, 9 giờ khách đã đông đông. Người ngồi bàn rít thuốc lào, người ra vườn ngắm, khen đất rộng, người ra sau nhà, xem đám nhà bếp… “…Sợ thế… Làm ba mươi mâm thôi á?”. “Không biết, chúng tôi chỉ biết băm chặt theo lệnh ông chủ”. Vận nghe thấy anh Quang và trưởng cỗ nói với nhau thì rụt cổ, không tin ở tai mình. 70… 30… rút xuống hơn một nữa… bố rẽ ngoặt từ khi nào… có vui vẻ không nhỉ… mong là không phải bố tức lên làm thế...

Ðám cưới xong xuôi, không mỹ mãn lắm nhưng cũng tốt đẹp. Thật nhẹ cả người, xong được một việc lớn. Ông quán triệt luôn với bà - “Ma chê cưới trách, rồi người ta sẽ nói đám cưới nhà mình nhiều đấy, tốt ít xấu nhiều… biết trước mà bình tĩnh, không hơi sức đâu mà thanh minh hết lượt…”. “Thì ai đời đám cưới mà cả hôm trước hôm sau chỉ bốn chục mâm, nửa đêm con trai con dâu mới về, trưa hôm sau lại đi ngay... nhưng tôi chả sợ” - Bà có vẻ cứng, nhưng ra đồng về vẫn thở dài, than vãn một mình.

Trưa hôm sau Lan điện về - “Giờ con mới được nghỉ trưa, may quá bố mẹ ạ, con mà để hôm sau mới đi thì cả dây chuyền phải dừng”. Máy vừa buông, lại đổ chuông, tiếng Vận - “Con xin lỗi bố mẹ nhưng con mà nghỉ buổi nay thì hỏng to, tổ trưởng khổ thế, phải quán xuyến… Thế bố mẹ còn giận chúng con không?”. “Bố có giận gì đâu, công nhân không thể như nông dân, có đám là nghỉ… chỉ thương mẹ mày đang đau đầu vì dân làng bàn tán. Nhưng thôi, kệ, rồi tất cả khắc quen”.

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Dũng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/208513/mot-dam-cuoi