Moscow triệu tập đại sứ Mỹ vì cáo buộc can thiệp bầu cử Nga
Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Mỹ John Sullivan tới để cảnh báo rằng, Moscow sẽ không để yên với bất kỳ hành động can thiệp nào vào cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra của nước này.
Báo RT trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/9 cho hay, Moscow đã có bằng chứng "không thể chối cãi" về việc tập đoàn công nghệ Mỹ đã vi phạm luật pháp Nga trong giai đoạn ngay trước cuộc bầu cử quốc hội nước này, dự kiến diễn ra vào tuần sau. Nhà chức trách Nga nhấn mạnh trước Đại sứ Sullivan rằng, bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ ở xứ sở bạch dương là "hoàn toàn không chấp nhận được".
Phái viên Mỹ đã dành khoảng 20 phút gặp các quan chức Nga sau lệnh triệu tập và rời đi mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các phóng viên. Phái đoàn Mỹ sau đó phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti rằng, chuyến thăm chớp nhoáng trên nhằm thảo luận về các kế hoạch ổn định quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cách diễn giải sự kiện của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của Bộ Ngoại giao Nga. Người phát ngôn Maria Zakharova tuyên bố, can thiệp bầu cử Nga là "lí do duy nhất" khiến ông Sullivan bị triệu tập. Bà Zakharova cũng bày tỏ hy vọng, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ chuyển tiếp thông tin chính xác tới Washington, đồng thời gọi các phát biểu trước đó của họ về vấn đề là “xa rời thực tế”.
Moscow đã nhiều lần cáo buộc Washington âm mưu tác động đến chính trường Nga thông qua can thiệp bầu cử. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, nước này phải đối mặt các nỗ lực gây ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại gần như hàng ngày. Ông Lavrov cáo buộc Mỹ muốn chứng kiến Nga suy yếu và "sẵn sàng cho bất kỳ nhượng bộ nào".
Trước đó trong ngày 10/9, cơ quan giám sát kỹ thuật số Nga Roskomnadzor đã phát đi cảnh báo tới 4 đại gia công nghệ Mỹ, bao gồm cả Apple và Google. Các công ty này bị buộc tội cho phép người dùng tiếp cận những trang bị cấm ở Nga, kể cả trang Smart Voting do những người ủng hộ nhân vật đối lập Alexey Navalny tạo ra.
Bộ Tư pháp Nga đã coi hoạt động của Navalny là "gián điệp cho nước ngoài" vì các mối liên hệ với nguồn quỹ từ ngoại quốc. Các tổ chức của Navalny sau đó bị một tòa án ở Moscow xác định là "cực đoan" và bị cấm hoạt động.