Monsanto lại bị kiện vì gây ô nhiễm PCB

Theo hãng tin AP ngày 21.2, Baltimore đã đệ đơn khởi kiện 'gã khổng lồ' là công ty hóa nông Monsanto (hiện đã được Tập đoàn Bayer AG của Đức mua lại) và hai công ty khác, cáo buộc họ gây ô nhiễm đường thủy thành phố và nước mưa

Các nỗ lực pháp lý tập trung vào PCB (Polychlorinated biphenyls). Theo EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ), PCB là các hỗn hợp tới 209 loại hóa chất. Hiện người ta không biết tới các nguồn PCB tự nhiên. PCB thường được sử dụng làm chất làm lạnh và chất bôi trơn trong bộ truyền động và các loại máy móc điện khác vì các chất này khó cháy và có thành phần cách nhiệt tốt. PCB cũng được tạo ra khi đốt cháy dầu đèn PCB.

PCB đã bị cấm sử dụng tại Hoa Kỳ vào 1977 vì có bằng chứng cho thấy chất này tích tụ trong môi trường và có thể gây tác hại cho sức khỏe. Các sản phẩm được sản xuất trước 1977 có thể chứa các chất PCB bao gồm các loại đèn huỳnh quang và thiết bị điện đời cũ có tụ điện có chất PCB, và các loại dầu máy cũng như kính hiển vi đời cũ. PCB khó phân hủy trong môi trường vì vậy chúng ta có thể gặp chất này ở khắp mọi nơi. Những người tiếp xúc với PCB dễ bị ung thư, tổn thương gan, các vấn đề về sinh sản, dị tật bẩm sinh và suy yếu hệ miễn dịch hơn.

Dầu nhiễm PCB đang được xử lý. Ảnh: IT

Baltimore cáo buộc Monsanto biết hóa chất PCB là độc hại và đã không làm suy giảm tính chất của nó. Luật sư của Baltimore Andre Davis cho biết: “Thành phố lớn nhất của bang Maryland có ý định tổ chức các nhóm có trách nhiệm để dọn dẹp mớ hỗn độn độc hại của họ”. Cũng trong một tuyên bố hôm thứ ba (19.2), Baltimore cho biết vụ kiện của họ là vụ kiện đầu tiên ở Bờ Đông và thứ 15 trên toàn quốc. Những nơi như San Diego và Seattle đã nộp đơn kiện tương tự.

Phía Monsanto nói rằng họ tin rằng khiếu nại của Baltimore là không có giá trị. Công ty đã ngừng sản xuất PCB từ hơn 40 năm trước.

Monsanto đang dính vào nhiều vụ kiện trên toàn cầu. Ảnh: IT

Bayer đã mua lại Monsanto trong năm 2018 với giá 63 tỷ đô la. Cổ phiếu của Bayer đã mất 25% giá trị kể từ ngày 10.8.2018, sau khi tòa án San Francisco tuyên phạt Monsanto 289 triệu đô la với cáo buộc công ty này không cảnh báo cho người vệ sinh trường học và những người tiêu dùng khác về nguy cơ ung thư gây ra bởi hoạt chất Glyphosate có trong sản phẩm RoundUp và Ranger. Sau đó, tòa đã giảm mức phạt xuống còn 78 triệu đô la.

Trước đó, ông Johnson 46 tuổi, một người đã sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate cáo buộc thuốc diệt có chứa glyphosate đã gây ra bệnh ung thư hạch Hodgkin cho ông. Số lượng các cáo buộc về Glyphosate mà Bayer phải đối mặt trên khắp Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 8.700. Sự việc đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về tác động từ chi phí kiện tụng của Bayer. Tuy nhiên, công ty Bayer phủ nhận cáo buộc hoạt chất Glyphosate gây ung thư và cho rằng qua hàng thập kỉ nghiên cứu khoa học và sử dụng trong thực tế trên toàn thế giới đã cho thấy chất này an toàn cho con người.

Glyphosate vẫn được nông dân sử dụng khá phổ biến để diệt cỏ. Ảnh: IT

Vào cuối năm 2018, Cục BVTV đã đưa ra xem xét loại bỏ 3 hoạt chất ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam là Glyphosate, Chlorpyrifos, Fipronil. Tuy nhiên, ngày 12.2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã ký ban hành Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hóa chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, chưa đề cập đến việc loại bỏ Glyphosate.

Lê Quang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/monsanto-lai-bi-kien-vi-gay-o-nhiem-pcb-957393.html