Mong người dân, doanh nghiệp cùng chung tay vì tương lai xanh
Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn đối với Bình Dương, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn về chiến lược và hành động của tỉnh trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng.
Thưa ông, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là về kinh tế, đời sống của người dân?
Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm mà đã trở thành hiện thực, ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Dương. Chúng ta đã chứng kiến những trận mưa lớn gần đây gây ngập cục bộ ở nhiều nơi, kể cả ở những khu vực trước đây chưa từng bị ngập. Điều này gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, tác động đến hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước và nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, thiệt hại do thiên tai và thời tiết cực đoan đang gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp của tỉnh. Tôi đánh giá cao chùm bài viết của phóng viên TTXVN đã kịp thời nêu lên vấn đề biến đổi khí hậu, qua đó giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy chính quyền, tổ chức, người dân và doanh nghiệp cùng chung tay hành động quyết liệt hơn nữa.
Vậy tỉnh đã có những hành động cụ thể nào để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?
Bình Dương đã, đang triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm cải thiện hệ thống thoát nước và phòng, chống ngập úng. Điển hình là siêu dự án thoát nước chống ngập suối Cái, đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, phục vụ tiêu thoát nước đô thị với tổng mức đầu tư vừa được HĐND tỉnh điều chỉnh tăng lên 5.892 tỷ đồng. Đây là dự án thoát nước lớn nhất tại Bình Dương, phục vụ tiêu thoát, chống ngập cho hơn 22.500 ha ở đô thị, trong đó có hoảng 3.200 ha đất các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, với mục tiêu dài hạn, tỉnh tiếp cận nguồn vốn 300 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để nâng cấp hạ tầng đô thị, ưu tiên xử lý nước thải và cải thiện môi trường. Phạm vi thực hiện dự án trải rộng ở các địa phương có mật độ dân số cao, tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát và các huyện Phú Giáo, Bàu Bàng. Những khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và hạ tầng, đòi hỏi sự đồng bộ trong phát triển hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đô thị. Những dự án trên thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc hành động quyết liệt để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã có những chính sách và biện pháp nào để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, thưa ông?
Bình Dương nhận thức rõ rằng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và cần thiết. Tỉnh đã xây dựng đề án di dời hàng ngàn doanh nghiệp không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường và an toàn cháy nổ từ các thành phố phía Nam lên phía Bắc. Khu vực phía Nam sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng tỷ trọng dịch vụ và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chung tay vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng sản xuất thông minh và tự động hóa. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đất đai cũng được triển khai để thu hút đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo.
Việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đã được Bình Dương áp dụng như thế trong quản lý đô thị và nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu?
Tỉnh đã quan tâm đầu tư mạnh vào Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) Bình Dương kết nối từ tỉnh đến huyện, xã và các sở, ngành. Hệ thống này giúp chúng tôi theo dõi tình hình ở đô thị như thời tiết, mực nước, chất lượng không khí, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Bình Dương cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thông minh, khoa học công nghệ và đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ IoT, AI trong nông nghiệp và quản lý đô thị đang được đẩy mạnh, giúp tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ông có thể chia sẻ thêm về những chính sách của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân trong chuyển đổi sang kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Chúng tôi hiểu rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như người dân cần được hỗ trợ để thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu. Tỉnh đã triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể như đào tạo, tư vấn miễn phí và thực hiện các chính sách khuyến công nhằm thúc đẩy áp dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tỉnh có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng sản xuất thông minh và thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Mục tiêu là thay đổi tư duy quản trị, nâng cao năng lực để doanh nghiệp và người dân đủ sức thích ứng với xu thế của thời đại.
Tầm nhìn của tỉnh về phát triển bền vững là gì và làm thế nào để Bình Dương trở thành một đô thị thông minh, xanh và đáng sống, thưa ông?
Mục tiêu trong 10 - 20 năm tới như quy hoạch của tỉnh vừa công bố, Bình Dương định hướng phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột chính: Kinh tế tri thức, hạ tầng hiện đại và bảo vệ môi trường, tạo cuộc sống thân thiện. Tỉnh không chỉ tập trung xây dựng các khu công nghiệp xanh mà còn tích hợp các giải pháp kinh tế tuần hoàn, mạng lưới cộng sinh công nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Để trở thành đô thị thông minh, xanh và đáng sống, tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số hóa trong quản lý đô thị và sản xuất, đồng thời ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng xanh như giao thông công cộng, năng lượng tái tạo và không gian sinh thái. Bình Dương cũng tích cực hợp tác với các chuyên gia quốc tế để xây dựng quy chuẩn và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Vậy thông điệp mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương muốn gửi đến người dân và doanh nghiệp để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng tương lai bền vững là gì?
Biến đổi khí hậu là thách thức chung của toàn nhân loại, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Tôi mong muốn tất cả người dân và doanh nghiệp hãy cùng nhau hành động, từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, đến việc áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất và kinh doanh. Chỉ khi chúng ta cùng chung tay, Bình Dương mới có thể vượt qua thách thức, xây dựng một tương
Trân trọng cảm ơn ông!