Món quê ở xứ sở núi rừng Tây Bắc
Tôi là một cô bé được sinh ra và lớn lên từ cái nôi núi rừng Tây Bắc. Cuộc sống, phong tục, đồ ăn, thức uống đều mang đậm một bản sắc rất riêng của dân tộc vùng núi. Ẩm thực miền núi luôn có nhiều món khác lạ và cuốn hút riêng biệt, có những món chưa chắc nhiều người đã dám thử.

Những món ăn đặc sản của đồng bào vùng cao Tây Bắc luôn làm du khách quyến luyến không thể nào quên. Ảnh: Thùy Giang
Trước đây, khi Ải (bố) còn sống, mỗi khi tôi về quê, Ải tôi thường nướng cá và thịt cho tôi ăn. Cá được Ải rửa sạch sẽ, ướp chút muối rang, hạt xẻn, hạt dổi xay nhỏ, chút ớt cay cay để xua đi mùi tanh của cá và cuối cùng là phết chút mật ong. Khi nướng lên mùi hạt xẻn, mật ong quyện vào nhau thơm lừng khiến cho tôi ngửi mùi thôi đã chảy nước miếng. Thịt lợn rừng được thái miếng dày bằng đốt ngón tay, sau đó cũng ướp chút muối rang, hạt dổi, tỏi, ớt, rượu trắng và cũng phết chút mật ong rồi xiên đều vào que tre. Xen kẽ mỗi miếng thịt là một lá dổi hoặc lá chanh rồi nướng trên than củi đỏ hồng.
Tiếng mỡ cháy xèo xèo thơm ngậy đánh thức mọi ngóc ngách giác quan của tôi một cách ghê gớm. Thịt rừng và cá ướp đủ loại gia vị hạt rừng kiểu này rồi nướng lên, thơm ngon đặc biệt và chỉ có người miền núi Tây Bắc mới có cách pha trộn đặc biệt này. Bạn chỉ cần nếm một lần là sẽ nghiền ngay. Đi kèm với thịt, cá nướng là xôi ngũ sắc. Hạt xôi to như con nhộng, óng muốt, dẻo và thơm vô cùng. Ải tôi cứ xôi một chõ gỗ sau đó gói từng gói nhỏ bằng lá dong rừng rồi ủ vào chăn. Ăn cho tới bữa tối mà xôi vẫn nóng và dẻo.
Một món nữa mà Ải tôi biết cô con gái rượu của Ải rất thích, đó là cơm lam. Để có được những khúc lam thơm ngon, bóc róc tanh tách, Ải phải lên rừng sau nhà chọn những cây nứa bánh tẻ to và bụng óng còn nước. Gạo Tú Lệ được Ải chọn mua loại dẻo nhất, thơm nhất đem về ngâm vài tiếng cho hạt gạo ngậm no nước. Rồi Ải lấy nước từ trong bụng ống nứa được pha với nước giếng đổ đầy vào từng ống nứa ngập mặt gạo và đem nướng trên bếp củi lim rim. Củi đốt cháy bên ngoài ống nứa và gạo bên trong chín dần, khi nào mùi thơm từ ống nứa tỏa ra lúc ấy cơm trong bụng ống đã chín. Ải chậm rãi gọt bỏ lớp vỏ ống nứa cháy xém bên ngoài chỉ để lại một lớp vỏ mềm trắng tinh ôm lấy bầu nếp thơm ngon bên trong. Những khúc cơm lam mềm ngọt là món quà không thể thiếu mà Ải yêu thương dành cho tôi.
Ải mất rồi, giờ mỗi khi về, tôi vẫn được thưởng thức những món quê đặc biệt ấy từ cô cháu gái. Cô cháu khéo tay, hay làm lại là dâu của một gia đình người Thái, nên phong tục của người Thái ảnh hưởng tới cô cháu tôi rất nhiều. Các món ăn đậm bản sắc dân tộc luôn được cô cháu thết đãi tôi, trong đó có món cá và thịt ướp hạt rừng nướng. Nếu tôi về vào mùa măng thì món ăn đặc biệt nhất định cô cháu phải chiêu đãi là món sâu măng hay còn gọi là con Đuổng. Những con sâu măng trắng nõn to bằng ngón tay béo ngậy. Nhón con sâu măng ngọ ngậy ấy chấm chút muối mắc khén được giã trộn với các loại hạt dổi, tiêu và hạt xẻn rồi từ từ bỏ vào miệng nhai sẽ cảm nhận được sự ngọt lịm, tươi và ngầy ngậy. Vị beo béo ấy ngấm vào từng tế bào vị giác khiến ta không thể quên được cái mùi vị tươi ngon ấy của từng chú sâu măng. Nếu ai không dám ăn sống thì có thể rang lên cùng với lá chanh thái nhỏ, cũng là một món ăn khá béo và thú vị.
Măng rừng thường được làm hai món. Món thứ nhất là xôi với thập cẩm các loại lá cây như: lá sắn, lá đu đủ, rau dền dại, cà dại, rau cải mèo, rau dớn. Món này sau khi xôi chín được chấm với mẻ chua. Mẻ được làm từ cơm nguội, nuôi cho thành dấm. Món mẻ này chua và thơm phưng phức, rất đặc trưng.
Món thứ hai là măng rừng được bỏ vào bếp củi nướng cả vỏ, khi chín bóc ngọn măng ra, mùi của đất quyện với mùi măng non mới thơm làm sao. Tôi thường hít hà, xì sụp húp từng giọt nước ngọt lịm của ngọn măng non. Sau khi chậm rãi bóc từng chiếc áo măng nướng ra một ngọn măng trắng nõn, mềm, thơm phưng phức chấm với chẩm chéo, món này tôi có thể ăn no được. Ngoài ra, còn một món nữa mà tôi cũng rất thích, đó là quả Núc Nác nướng lên rồi thái mỏng, nộm với các loại lá thơm như dổi nước, lá húng, lá chanh. Quả núc nác dẹt và dài như như cái đòn gánh. Đặc biệt là đắng vô cùng, đắng gấp 20 lần quả mướp đắng. Ai không biết ăn đắng thì sẽ không thể ăn nổi dù là một miếng nhỏ. Nhưng khi đã biết ăn thì đến mùa quả kiểu gì bạn cũng phải tìm về để ăn.
Món quê, với tôi là một bầu trời kỷ niệm. Trong đó có tình yêu của người cha, có tình thân của cô cháu gái và hơn nữa là tình quê hương, xứ sở núi rừng Tây Bắc của tôi. Đi xa, tôi luôn nhớ quê hương da diết, nhớ món quê giản dị và đặc biệt mà vô cùng khó quên!
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mon-que-o-xu-so-nui-rung-tay-bac-post484355.html