Món quà 'tái hôn' của Nam Đông

Sau 35 năm chia tách, huyện miền núi Nam Đông, thành phố Huế lại tái nhập với huyện Phú Lộc để trở thành huyện Phú Lộc to, rộng như cũ. Người dân hai huyện gọi đây là cuộc 'tái hôn'. Tuy nhiên, trong lần trở về này Nam Đông đã mang theo một 'món quà' đủ làm mát lòng người nơi đi và nơi đến.

Sau khi được hỗ trợ, hơn 400 hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông đã khẩn trương xóa bỏ nhà tạm, thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố.

Sau khi được hỗ trợ, hơn 400 hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông đã khẩn trương xóa bỏ nhà tạm, thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố.

Giảm nỗi lo dân sinh

Từ ngày 1/1/2025, huyện miền núi Nam Đông chính thức sáp nhập với huyện Phú Lộc, trở thành huyện Phú Lộc theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025.

Trước ngày sáp nhập, lãnh đạo huyện Nam Đông đã có những chia sẻ đầy hân hoan, đại ý rằng: Trước khi đi đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm trên phạm vi toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới mức 1,8% - giảm sâu hơn kế hoạch đặt ra. Số chưa thoát nghèo chủ yếu rơi vào các hộ người già neo đơn, không có khả năng thoát nghèo. Huyện đã giúp các hộ dân xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Một chương trình sữa học đường giúp trẻ đồng bào thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cũng đã được triển khai… Chia sẻ của lãnh đạo huyện còn dài, nhưng mới nói đến đó, cả hội trường đã vang lên những tràng vỗ tay kéo dài chứa đầy hạnh phúc.

Mới bước ra khỏi cảnh sống trong những túp lều rách nát, tạm bợ, gần như hơn 400 hộ dân của huyện Nam Đông vẫn chưa quên được những hôm cả gia đình phải bồng bế nhau chạy sang nhà người thân để tránh mưa lớn. Hoặc những hôm đài báo bão, cả gia đình phải ngồi chờ xe của xã đến đón về nhà trú tránh cộng đồng. “Tiếng là có nhà, nhưng nhà lại không đủ kín để ngăn dơi, chuột vào cắn thóc. Kết quả lao động của mình đều phải mang đi gửi ở nhà người thân…”, chị Tà Lương Kim Đa ở xã Thượng Long mừng không giấu được nước mắt nói. “Nhưng nay thì khác, được nhà nước, các nhà hảo tâm đầu tư nhà kiên cố cho nên cuộc sống đã ổn định hơn rồi”.

Bà Nguyễn Thị Lỏng ở xã Hương Hữu là hộ neo đơn nên được nhận tiền để xóa nhà tạm. Bà không biết tính toán, quản lý vật tư xây cất nên, vì thế, Ủy ban nhân dân xã đã cử cán bộ giúp bà trông coi. Rồi các tổ chức đoàn thể giúp bà ngày công đổ nền, chuyển vật liệu.

Ngày vào nhà mới, bà Lỏng tự hào khoe với người dân trong xóm: “Nhà này là của xã, của huyện, của các nhà hảo tâm làm với tôi. Sau này mưa bão, trong xã nếu còn nhà ai dột nát thì tới đây ở với tôi cho an toàn”. Thực tế, nhà bà Lỏng là một trong những ngôi nhà tạm cuối cùng của hộ nghèo ở Nam Đông được dỡ bỏ.

Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông, nay là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Môi trường huyện Phú Lộc cho biết: Huyện Nam Đông tập trung xóa nhà tạm từ đầu năm 2021 bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Đến giữa năm 2023, huyện đã cho rà soát tổng thể, đồng thời chỉ đạo các xã bám địa bàn, không để phát sinh. Trong sáu tháng cuối năm 2024, khi có thông tin sáp nhập với Phú Lộc, Nam Đông đã huy động người và nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, bảo đảm khi về huyện mới, sẽ không còn hộ dân nào sống trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ.

Đáp lời kêu gọi của huyện, nhất là chứng kiến các khâu quản lý minh bạch, rõ ràng của địa phương, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã cùng huyện mang thêm niềm vui đến cho đồng bào miền núi. Các chương trình như xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, sữa cho trẻ suy dinh dưỡng, theo đó cũng đã được các nhà hảo tâm ủng hộ nhiệt tình.

Phấn khởi vì tất cả hộ nghèo trên địa bàn đều được đầu tư xóa nhà tạm, ông Phạm Văn Chăm, Trưởng thôn Con Gia, xã Hương Hữu hào hứng cho biết: Thời gian tới, khi nhập về Phú Lộc, người dân gần như hết việc để lo. Công việc của chúng tôi sau này là tập trung sản xuất, vươn lên hộ khá.

Bản lĩnh huyện anh hùng

Nam Đông sau ngày giải phóng là một huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau ngày nhập tỉnh, năm 1977, Nam Đông được nhập về Phú Lộc, thành huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên.

Đến năm 1990, một năm sau chia tỉnh, Nam Đông lại được tách ra với dân số khoảng 20.000 người, trong đó 45% là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Số còn lại là người Kinh từ các xã bãi ngang của huyện Phú Lộc, Hương Phú (cũ) vượt đèo núi lên đây làm kinh tế mới.

Là một trong những người có mặt ở Nam Đông từ những ngày đầu lập huyện, ông Hồ Văn T’rưng, người dân xã Hương Hữu vẫn nhớ: “Hồi đó đường sá đi lại rất khó khăn. Người dân như chúng tôi đến đây phần lớn là với bàn tay trắng”.

Vậy nhưng, lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đông đánh dấu thành quả bước đầu bằng sự kiện 14 năm sau ngày thành lập huyện. Lúc đó, Chương trình 135 hỗ trợ cho 1.000 xã đặc biệt khó khăn trên toàn quốc đang được triển khai. Huyện Nam Đông có hai xã Hương Sơn, Hương Hữu nhận được hỗ trợ của chương trình này thì thật bất ngờ là năm 2004, cả hai xã đều viết đơn xin được ra khỏi danh sách đói nghèo của cả nước.

Lá đơn lập tức gây chấn động, vì trước giờ chỉ có tiền lệ xin vào chứ chưa có ai xin ra. Nam Đông vinh dự đón nhiều đoàn đến kiểm tra, thẩm định. Kết quả, hai xã đều đã đạt tiêu chí. Hương Sơn, Hương Hữu, trở thành địa phương đầu tiên của cả nước “biết đủ là dừng lại”, mở đầu cho những lá đơn xin thôi đói nghèo sau này.

Câu chuyện xin thôi đói nghèo của hai xã thuộc diện nghèo đói nhất của cả nước, cộng thêm kết quả vượt khó trong 15 năm đã giúp huyện miền núi Nam Đông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Thừa Thiên Huế đón nhận danh hiệu này.

Nhưng chỉ sau 1 năm, thành quả 15 năm từ ngày tái lập huyện của Nam Đông gần như bị xóa sổ do siêu bão vào tháng 10/2006 làm hơn 3.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái. Hơn 1.000ha cao-su giúp đồng bào Nam Đông thoát nghèo bị gãy đổ. Cùng với đó là hàng nghìn héc-ta thông, keo, cây ăn quả không còn khả năng phục hồi…

Vậy nhưng, 20 năm sau đó, kế thừa truyền thống huyện anh hùng, Nam Đông đã hồi sinh như đúc kết của nguyên Bí thư Huyện ủy Trần Thị Hoài Trâm, nay là Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế: “Các thế hệ lãnh đạo của Nam Đông đã đưa những điều chưa từng có về với Nam Đông. Từ địa phương có tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người thấp, hiện tại GRDP của người dân Nam Đông đã vượt 56 triệu đồng/người/năm. Gần 90% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề. Từ huyện không có doanh nghiệp, nay đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Các cụm công nghiệp, khu du lịch dịch vụ đã được thành hình. Huyện cũng đã xây dựng các vùng chuyên canh, nhiều trang trại đã đi vào hoạt động, thu lợi nhuận lớn … Tất cả sẽ là vốn liếng để người Nam Đông kế thừa, phát huy, khi tái nhập về huyện mới.

QUANG TIẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mon-qua-tai-hon-cua-nam-dong-post875264.html