Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước trong ký ức của kiều bào tại Pháp

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ Việt kiều tại Pháp đã đóng góp hết lòng vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của Tổ quốc. Sau bao năm mong mỏi, tới ngày 30/4/1975 lịch sử, khi hay tin miền nam được giải phóng, những người con đất Việt xa xứ đã vỡ òa trong niềm vui chiến thắng cùng những giọt nước mắt sung sướng.

Ngày 30/4/1975, kiều bào diễu hành trên đường phố Paris, giương cao biểu ngữ ”Việt Nam thắng lợi". (Ảnh: Lê Tấn Xuân)

Ngày 30/4/1975, kiều bào diễu hành trên đường phố Paris, giương cao biểu ngữ ”Việt Nam thắng lợi". (Ảnh: Lê Tấn Xuân)

Trong ngày lịch sử đó, ở Paris và nhiều nơi khác tại Pháp tràn ngập những tiếng reo mừng: Sài Gòn đã giải phóng, Việt Nam thống nhất, chiến tranh đã kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm...

Sau 50 năm, cảm xúc về ngày non sông thu về một mối lại trào dâng trong lòng kiều bào yêu nước tại Pháp.

Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:

Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, theo giờ Việt Nam, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc đó là 5 giờ 30 phút sáng ở Paris, tôi và rất nhiều người ở đây có chung cảm xúc vui sướng khó tả, cùng vỡ òa sau nhiều giờ hồi hộp theo dõi tình hình qua đài phát thanh Pháp.

Tới 6 giờ sáng, bà con ríu rít gọi điện cho nhau để cùng hẹn đến Hội quán ngay khi mặt trời vừa bừng sáng trên bầu trời Paris. Không thể tả hết cảm xúc nghẹn ngào trong lòng chúng tôi. Vui mừng thay nhưng sao nước mắt lại dâng trào. Đó là vì giấc mơ về hòa bình, thống nhất đất nước đã thành hiện thực. Không có gì vui sướng hơn.

Từ nay trở đi, sẽ không còn phải trông chờ các cường quốc thiện chí thi hành Hiệp định Paris nữa. Nhân dân Việt Nam đã lấy lại hoàn toàn quyền quyết định vận mệnh của mình. Đó là quyền tự quyết thiêng liêng của mỗi dân tộc như Bác Hồ đã nêu ra trong "Yêu sách của nhân dân An Nam" cách đó hơn 50 năm trước dư luận quốc tế.

Ngày 6/5/1975, kiều bào diễu hành mừng miền nam được giải phóng, đất nước được thống nhất trên đường phố Paris trong tiếng vỗ tay chúc mừng của bạn bè Pháp. (Ảnh: Lê Tấn Xuân)

Ngày 6/5/1975, kiều bào diễu hành mừng miền nam được giải phóng, đất nước được thống nhất trên đường phố Paris trong tiếng vỗ tay chúc mừng của bạn bè Pháp. (Ảnh: Lê Tấn Xuân)

Ước mơ chung đã thành hiện thực, lịch sử đã ghi nhận. Còn ước mơ riêng là những gì chỉ mỗi người con xa quê vào giai đoạn ấy mới có thể hiểu hết. Đó là những giọt nước mắt, là sự sung sướng, là niềm nức nở của những người xa đất nước bao nhiêu năm nay, giờ đã thấy được đường về quê nhà của mình rồi.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng gian khổ và anh dũng. Kỷ niệm 50 năm của chiến thắng vĩ đại này, chúng tôi rất vui mừng khi thấy đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay để bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Kỷ niệm chiến thắng vĩ đại này là dịp để thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng, bản sắc văn hóa của dân tộc và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Tổ quốc Việt Nam.

Ông Cấn Văn Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:

Một năm sau khi đến Pháp du học, vào năm 1965 tôi đã tham gia Liên hiệp Sinh. Đến năm 1970, tôi được tín nhiệm giao phó cho nhiệm vụ Phó Tổng thư ký phụ trách sinh viên và trí thức của Chi hội Marseille.

Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1976, tôi không ngừng tập hợp lực lượng sinh viên, trí thức người Việt tại Pháp, giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và cùng nhau đóng góp cho phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Không chỉ tôi, mà cả cộng đồng người Việt Nam tại Marseille luôn dõi theo sát sao những diễn biến của đất nước. Hằng ngày, tôi có nhiệm vụ cập nhật thông tin về quê hương, nhất là qua những lần liên lạc trực tiếp với các phái đoàn cách mạng.

Chính vì vậy, khi Huế và Đà Nẵng được giải phóng vào những ngày cuối tháng 3/1975, quân đội Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng tan rã, tôi cùng những người Việt tại Marseille đã vỡ òa trong niềm vui sướng khôn tả.

Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết bà con người Việt trên khắp nước Pháp trong giai đoạn miền nam từng bước được giải phóng. Sự kiện lịch sử ấy càng củng cố mạnh mẽ niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Ngày 30/4/1975, khi hay tin về chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập và lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời tung bay trên nóc tòa nhà, tôi và rất nhiều bà con đã vỡ òa trong niềm vui sướng. Đó là một cảm xúc mãnh liệt, một niềm vui dâng trào, vừa hạnh phúc vừa xúc động, khi biết rằng đất nước mình đã hoàn toàn thống nhất, chiến tranh đã kết thúc sau nhiều năm tháng đau thương.

Ngay sau khi tin chiến thắng lan truyền, các chi hội địa phương đã nhanh chóng chuẩn bị những hoạt động mừng ngày chiến thắng lịch sử này. Không khí rộn ràng, hân hoan bao trùm khắp nơi, ai cũng muốn đóng góp một phần để đánh dấu khoảnh khắc trọng đại này.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:

Với tôi, ký ức về Ngày Giải phóng miền nam vẫn như một giấc chiêm bao: Tôi nhớ rõ, đêm 29/4/1975, qua theo dõi tình hình chiến sự, tôi rất vui và hồi hộp khi biết quân ta đã vào tới Sài Gòn. Tỉnh dậy vào 7 giờ sáng 30/4, nghe radio nói rằng xe tăng đã vào Dinh Độc Lập.

Tôi cứ tưởng đang nằm mơ vì không ngờ mọi việc lại diễn nhanh đến như vậy. Tôi ngồi hẳn dậy và bật khóc. Khi có một người bạn gọi điện đến thông báo rằng sắp sửa có tuần hành mừng chiến thắng, tôi liền ra khỏi nhà, đi phố Gobelins ở quận 13, nơi Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động tại Pháp. Lúc đó, cảm xúc tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng trào.

Chúng tôi đã làm theo đúng lời căn dặn của Người, sống, học tập và đấu tranh vì hòa bình và thống nhất đất nước. Lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam là động lực, là sức mạnh để các thế hệ kiều bào yêu nước tại Pháp làm tất cả những gì có thể vì quê hương yêu dấu.

Khi đến bên bờ sông Seine, xúc động quá, tôi đứng đó và lặng lẽ khóc thật lâu vì nhớ gia đình và mừng thắng lợi. Nghẹn ngào, tôi muốn hét lên: Đất nước độc lập rồi, dân ta được tự do rồi. Trên đường đi, tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi người đang cười và và chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao với người Việt Nam: miền nam đã được giải phóng.

Năm nay kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam là một dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc và tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Thật xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc và cũng tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiến xa hơn, vững mạnh hơn như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Ông Lưu Thanh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:

Tôi không thể quên khoảng khắc đó với niềm vui vỡ òa. Ngày 1/5/1975, được nghỉ lễ, tôi lái xe từ Paris về tỉnh để gặp bạn bè thời sinh viên. Trên đường, tôi nghe đài phát thanh, chợt có tin "người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn..., chính quyền Sài Gòn sụp đổ...".

Ông Lưu Thanh Dũng (giữa) đánh nhịp trống để kiều bào và bạn bè Pháp cùng hô vang: "Việt...Nam..Thắng...Lợi ", “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” trong cuộc diễu hành ngày 1/5/1975.

Ông Lưu Thanh Dũng (giữa) đánh nhịp trống để kiều bào và bạn bè Pháp cùng hô vang: "Việt...Nam..Thắng...Lợi ", “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” trong cuộc diễu hành ngày 1/5/1975.

Tin vui đến quá bất ngờ, lòng tôi rạo rực ý nghĩ dứt chiến tranh rồi, hết rồi những cảnh bom đạn triền miên dội xuống đất nước tôi, không còn những cảnh làng mạc bùng cháy vì những trận đi càn, không còn hình ảnh mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha vì thảm họa chiến tranh. Chắc hiện giờ ở Việt Nam mọi người đang chan hòa hạnh phúc, ào ào ra đường dù sự đau thương chiến tranh để lại vẫn còn đó...

Tôi mừng quá, rơi nước mắt, rồi nghĩ rằng các bạn đồng hành của tôi trong phong trào yêu nước dưới mái nhà chung "Liên hiệp Việt kiều", năm 1976 đổi tên thành Hội Người Việt Nam tại Pháp, chắc là đang ráo riết chuẩn bị gì đó ăn mừng chiến thắng. Thế là tôi vội vàng lái chiếc xe ô-tô cũ kỹ quay về Paris, liên lạc và phối hợp với anh chị em phụ trách của phong trào cùng nhau đến quảng trường Bastille.

Khi đó, tầng tầng lớp lớp công nhân lao động Pháp đi diễu hành nhân Ngày Quốc tế Lao động, còn chúng tôi hòa cùng dòng người để thể hiện niềm vui sướng như nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết trong bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh": ...mà niềm vui này đến bất ngờ, ngày đi như trong đêm mơ...

Chung quanh tôi, mọi người dù là Việt Nam hay không đều có gương mặt rạng rỡ, nói chuyện rôm rả về chủ đề "giải phóng miền nam Việt Nam". Trên đường đi về phía quảng trường République, hai người bạn nữ giữ trống, còn tôi cầm dùi đánh nhịp để mọi người hô to: "Việt...Nam...Thắng...Lợi ", “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Đại thắng mùa Xuân 1975 luôn là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam tại Pháp.

Các thế hệ Việt kiều tại Pháp đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân 1975 sẽ mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam tại Pháp và tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên cộng đồng người Việt tại Pháp phát huy tinh thần đoàn kết, gìn giữ bản sắc và đóng góp tích cực cho quê hương trong kỷ nguyên phát triển mới.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-trong-ky-uc-cua-kieu-bao-tai-phap-post875496.html