Mới 35 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ độ 3, người đãn ông 'ngã ngửa' khi biết nguyên nhân
Trong một lần kiểm tra sức khỏe tại cơ quan gần đây, anh K. giật mình khi nghe bác sĩ đọc kết quả bản thân bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ độ 3. Hỏi rõ mới biết nguyên nhân là do món ăn khoái khẩu này.
Lòng lợn là một món ăn phổ biến tại Việt Nam, thậm chí với nhiều người, lòng lợn là một món khoái khẩu mà lâu lâu không ăn sẽ thấy nhớ. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, thói quen và niềm yêu thích với món ăn này chính là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, thừa cân - béo phì...
Anh N.N.K (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) từ nhiều năm nay đã có niềm đam mê với lòng lợn. Trung bình cứ một tuần là anh lại phải cùng nhóm bạn đi ăn món khoái khẩu này ít nhất 1 lần nếu không là sẽ thấy bứt rứt. Chưa kể, anh thường xuyên ăn sáng bằng món cháo lòng, bún lòng tại quán gần nhà.
Trong một lần kiểm tra sức khỏe tại cơ quan gần đây, anh K. giật mình khi nghe bác sĩ đọc kết quả bản thân bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ độ 3. Hỏi ra mới biết, nguyên nhân khiến anh bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ là do thói quen sinh hoạt hàng ngày không lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia, ăn quá nhiều các thực phẩm có chứa cholesterol khiến cho gan chịu gánh nặng nhiều hơn, cùng với việc chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Được biết, không chỉ riêng anh N.N.K. mà rất nhiều người Việt cũng cùng thói quen và sở thích tiêu thụ những món ăn từ lòng lợn. Không khó để nhận thấy, trên nhiều con phố của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác xuất hiện nhan nhản những quán ăn có món lòng lợn là chủ đạo, từ bình dân đến sang trọng.
Lòng lợn là món ăn nghèo dinh dưỡng, không dễ làm sạch
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam lòng lợn được tiêu thụ rất mạnh, thậm chí với giá thành không hề rẻ. Còn ở các quốc gia châu Âu, nội tạng của động vật nói chung và lòng lợn nói riêng thường được bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc.
"Xét về giá trị dinh dưỡng, lòng lợn là món ăn nghèo chất dinh dưỡng, khó tiêu hóa. Ngoài ra, ăn lòng lợn còn có liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như không được làm sạch có thể chứa các vi khuẩn, ký sinh trùng có hại của lợn.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe chỉ nên ăn lòng 1-2 lần/ tháng. Đảm bảo lòng đã làm sạch và nấu chín để tránh mầm bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm. Tuyệt đối không ăn các loại lòng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ có chất bảo quản hoặc tẩy rửa bằng hóa chất không tốt cho sức khỏe", PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, giá trị dinh dưỡng trong lòng không có nhiều, chủ yếu là chất béo bão hòa và cholesterol. Trong 100g lòng lợn có khoảng gần 400mg cholesterol. Cholesterol là thành phần cần cho cấu trúc tế bào nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra dư thừa, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Bởi vậy, người cao tuổi, người bị bệnh gút cần tránh ăn món này. Ngoài ra, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cũng đặc biệt phải hạn chế các món ăn từ nội tạng động vật.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng đưa ra khuyến cáo, với những người khỏe mạnh chỉ nên ăn lòng 1 lần/tuần, mỗi lần từ 70-80gram. Mỗi người chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol/ngày từ tất cả các thực phẩm. Cholesterol không chỉ có trong các tạng của động vật mà còn có nhiều trong da động vật, mỡ động vật…