Mô hình UASB cải tiến ứng dụng trong thí nghiệm xử lý nước thải
Mô hình UASB (Upflow Anearobic Sludge Blanket) cải tiến ứng dụng trong thí nghiệm xử lý nước thải là sản phẩm sáng tạo của giảng viên Lê Phú Đông cùng cộng sự đến từ trường đại học Lạc Hồng.
Được biết, sản phẩm đã đoạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2016 của tỉnh Đồng Nai.
Bài liên quan
Nữ sinh chuyên Sơn La trở thành thủ khoa nhờ thất bại
Sản phẩm nhân văn hỗ trợ người khiếm thị của học sinh Đà Nẵng
Giảng viên Lê Phú Đông cho biết, anh mong muốn sinh viên ngành môi trường đang học tập tại các trường đại học hiện nay sẽ được tiếp cận công nghệ và các công đoạn xử lý nước thải thực tế, có điều kiện tham quan tiếp thu tri thức một cách trực tiếp. Vì vậy, việc xây dựng một mô hình xử lý nước thải có kỹ thuật, công nghệ giống với thực tế phục vụ học tập là rất cần thiết, giúp sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ về kỹ thuật xử lý nước thải hơn.
Mô hình UASB hoạt động theo nguyên lý của vi sinh vật kỵ khí để phân hủy các chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước. UASB được mô tả là quy trình kỵ khí dòng chảy ngược qua lớp bùn được ứng dụng rộng rãi hiện nay do các đặc điểm sau: cả 3 quá trình phân hủy – lắng bùn – tách khí được đặt chung trong một công trình. Ngoài ra, quá trình này tạo thành các loại bùn hạt kỵ khí có mật độ vi sinh vật cao và tốc độ lắng vượt xa so với lớp bùn hiếu khí lơ lửng.
Thiết bị được chế tạo gồm hai bể hình trụ làm bằng vật liệu nhựa PVC đường kính 114mm. Bể phản ứng kết hợp lắng – tách khí và bể điều áp. Bơm lưu lượng điều chỉnh nguồn nước đầu vào. Bộ phận phân phối đều nước thải vào dưới đáy bể. Hệ thống tách pha khí – lỏng. Đường ống thu nước sau xử lý, thu hồi khí CH4, thu bùn thải. Đồng hồ cảm biến nhiệt độ ở bể điều áp và bể phản ứng kết hợp. Bảng điều khiển toàn bộ thiết bị bơm. Mô hình này hoàn toàn nhỏ, gọn và rất dễ dàng di chuyển.
Mô hình UASB cải tiến ứng dụng trong thí nghiệm xử lý nước thải được nhóm tác giả chế tạo, thiết kế mô phỏng theo công nghệ xử lý nước bằng phương pháp sinh học kỵ khí hiện nay. Theo đánh giá của các thành viên Ban giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, mô hình có tính sáng tạo về công nghệ và khả năng ứng dụng cao trong thực tế giảng dạy. Đặc biệt, mô hình này được tác giả chủ động chế tạo nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường của trường đại học Lạc Hồng nên có thể triển khai ngay với trình độ kỹ thuật và thị trường vật tư trong nước hiện nay.
Ngoài ra, mặc dù là mô hình phòng thí nghiệm nhưng khả năng ứng dụng mô hình có thể phát triển rộng theo quy mô công nghiệp trong quá trình xử lý nước thải. Ứng dụng mô hình góp phần nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn quá trình làm việc. Kết quả nước sau xử lý tại trường Lạc Hồng khi áp dụng mô hình mang lại khá khả quan.
Bên cạnh đó, do đây là mô hình xử lý nước tự sáng chế nên khi ứng dụng có thể tiếp cận, chuyển giao công nghệ dễ dàng, thuận lợi trong vận hành và khắc phục khi xảy ra sự cố. Mô hình đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, mẫu mã đẹp, kết cấu vững chắc. Ở góc độ sán xuất, do mô hình được chế tạo hoàn toàn bằng nguyên liệu trong nước nên chi phí sản xuất khá thấp. Chi phí triển khai sản xuất mô hình rẻ hơn rất nhiều so với các mặt hàng tương ứng đang có trên thị trường. Tùy thuộc vào nhu cầu, vị trí và mục đích sử dụng sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận cao cho người sử dụng.
Về mặt xã hội, mô hình được thiết kế, chế tạo trong nước nên không phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu đồng thời dễ dàng triển khai sản xuất ngay với điều kiện kỹ thuật và kinh tế trong nước. Công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao trong các phòng thí nghiệm Việt Nam