Mô hình kinh doanh sáng tạo: Kết hợp homestay và văn hóa đọc
Trong bối cảnh các mô hình kinh doanh sáng tạo ngày càng phát triển, việc kết hợp giữa không gian lưu trú (homestay) và văn hóa đọc đang được nhiều người quan tâm. Đáng chú ý ở mô hình độc đáo này là việc chuyển đổi một phần không gian nhà sách thành homestay dành cho du khách muốn nghỉ ngơi mà vẫn có cơ hội khám phá tri thức.

Không gian homestay được cải tạo từ nhà sách Mão. (Ảnh: GIANG HUY)
Nhà sách Mão nằm trong con ngõ nhỏ của phố Đinh Lễ (Hà Nội) vốn được biết đến với không gian xưa cũ, qua lối cầu thang là căn nhà phủ sơn xanh dịu, sàn, giá sách và trần nhà đều làm bằng gỗ. Chủ nhà là vợ chồng ông Lê Luy và bà Phạm Thị Mão, những người lâu năm trong nghề bán sách ở Thủ đô.
Thuở ban đầu, không gian bán hàng của gia đình chỉ là một bàn sách bày trên vỉa hè trước cửa Bưu điện Hà Nội. Năm 1993, ông bà mua gian nhà nhỏ trên gác hai khu tập thể số 5 Đinh Lễ làm cửa hàng. Đến nay, nhà sách tồn tại được 32 năm, trở thành điểm đến quen thuộc của người yêu văn hóa đọc trong và ngoài nước với năm gian phòng được bố trí khoa học, thẩm mỹ.
Năm 2017, con gái ông bà là chị Lê Ngọc Anh tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình phải đối mặt thực tế khó khăn khi thị trường sách ngày càng thay đổi. Việc duy trì mô hình nhà sách truyền thống trở thành thách thức lớn do sự phát triển của sách điện tử và các hình thức mua online.
Để giữ gìn không gian của bố mẹ trao lại, chị Ngọc Anh quyết định cải tạo một phần nhà sách thành “homestay sách”, nơi khách có thể vừa nghỉ ngơi, vừa chìm đắm trong không gian tri thức. “Almanach homestay” là tên gọi mới của homestay được mở cửa vào tháng 12/2024.
Hai gian của nhà sách được thiết kế thành hai căn “Almanach House 1” và “Almanach House 2”, mỗi căn có diện tích khoảng 40 m2, trang bị đầy đủ tiện nghi nhưng không có ti-vi với chủ ý để khách tập trung vào sách. Trong không gian này, những kệ sách mầu xanh đặc trưng của nhà sách được giữ nguyên tạo cảm giác yên bình, dễ chịu cho du khách.
Sách không sắp xếp theo thể loại cụ thể mà mang tính thẩm mỹ, thư giãn. Nếu muốn đọc chuyên sâu, khách có thể di chuyển sang gian chính để mượn sách và đọc trong phòng.
Chị Lê Ngọc Anh cho biết: Chuyển đổi một phần nhà sách thành homestay là quyết định không dễ dàng nhưng cần thiết để duy trì không gian sách trong thời đại mới, mang lại trải nghiệm phong phú hơn cho du khách. Mô hình này có thể coi như sự kết hợp giữa bảo tồn giá trị văn hóa đọc với nhu cầu nghỉ dưỡng hiện đại.
Vào các dịp lễ, Tết, không gian sẽ tiếp tục được chuyển đổi thành một không gian mở, nơi mọi người có thể đến để đọc sách, uống cà-phê và thảo luận về các tác phẩm yêu thích.
Ông Phùng Quang Thắng, chuyên gia du lịch bền vững, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Khi chuyển đổi nhà sách thành homestay vẫn phải bảo đảm không gian thoải mái, tiện nghi cho khách. Các yếu tố như: Diện tích phòng, nội thất và dịch vụ cơ bản (wifi, điều hòa, nhà vệ sinh sạch sẽ) cần được chú trọng.
Việc sắp xếp sách vở không được gây cản trở, bất tiện cho khách. Không gian homestay cần bảo đảm sự cân bằng giữa việc tạo cảm giác thư giãn và vẫn giữ được không khí của một nhà sách truyền thống. Bên cạnh đó, với mô hình homestay, bảo quản sách là một thách thức lớn. Để tránh sách bị hư hỏng, mất mát, chủ nhà cần phải thiết lập quy định rõ ràng, duy trì tốt việc bảo trì, dọn dẹp. Đồng thời, có chiến lược quảng bá phù hợp để thu hút khách.
Nếu muốn mô hình này phát triển bền vững, được nhân rộng, các hộ kinh doanh cần tạo thêm tiện ích, dịch vụ bổ sung như tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, thảo luận sách, mở rộng không gian đa dạng hơn nhằm thu hút du khách quốc tế...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ket-hop-homestay-va-van-hoa-doc-post869174.html