Kịch bản cũ lặp lại, giải ngân đầu tư công quý I tiếp tục thấp, đạt chưa tới 10%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết quý I/2025, ước giải ngân đầu tư công đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 12,27%.

Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng năm 2025, có 13/47 Bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (trên 20%) như: Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp phụ nữ (20,37%); Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).

 Kịch bản cũ lặp lại, giải ngân đầu tư công quý I tiếp tục thấp. (Ảnh minh họa/VNN)

Kịch bản cũ lặp lại, giải ngân đầu tư công quý I tiếp tục thấp. (Ảnh minh họa/VNN)

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Bộ Tài chính nhận định: Có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án.

Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách. Đơn cử, Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành; các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành mới với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Thứ hai liên quan tới đến phân bổ vốn. Bộ Tài chính cho biết, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2025.

Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện phân bổ và giải ngân như: chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn,… Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết đến từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, hoàn thiện.

Thứ ba, khó khăn, vướng mắc khác trong tổ chức thực hiện liên quan tới việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18.

Hiện nay, để sử dụng hiệu quả kinh phí nhà nước, tránh lãng phí, phù hợp với nhu cầu các đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, một số đơn vị phải tạm dừng khởi công mới năm 2025 đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả các dự án có vốn địa phương hỗ trợ) cho đến khi có quyết định về phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy;

Một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh do thực hiện đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy dẫn đến chưa đủ điều kiện phân bổ vốn;

Công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng bị kéo dài; công tác thanh toán, quyết toán bị gián đoạn do có sự thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình tại địa phương và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy;

Thứ tư, khó khăn, vướng mắc về nguồn thu ngân sách địa phương. Các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, một số địa phương có số thu từ đất lớn nhưng từ đầu năm chưa thu được dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.

Cuối cùng là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa ký ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hướng dẫn thực hiện tiêu chí của các Bộ, ngành Trung ương còn chưa kịp thời, có nhiều nội dung hướng dẫn mang tính chuyên ngành sâu. Các địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư nên ảnh hưởng đến việc phân bổ kế hoạch vốn.

Ngoài ra, quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kich-ban-cu-lap-lai-giai-ngan-dau-tu-cong-quy-i-tiep-tuc-thap-dat-chua-toi-10-post341515.html