Mô hình chính quyền địa phương hai cấp - Bước đi mạnh mẽ trong bối cảnh mới
Chủ trương tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Trung ương Đảng trong tiến trình cải cách bộ máy nhà nước.

Hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh minh họa: Xuân Tình/TTXVN
Nhiều ý kiến từ cán bộ, đảng viên, trí thức và nhân dân cho rằng, chủ trương cải cách bộ máy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng là những vấn đề then chốt đặt ra trong nhiệm kỳ mới.
Cải cách hành chính từ tổ chức đến thể chế
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phượng, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ trương tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp là một quyết sách mang tính đột phá, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phượng cho rằng, bên cạnh yếu tố công nghệ và hạ tầng ngày càng phát triển, điều kiện thực tiễn cũng đã chín muồi để triển khai mô hình hai cấp. Tuy nhiên, mô hình này sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu đi kèm với cải cách toàn diện về thể chế và đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, cần giao quyền rõ ràng hơn cho cấp dưới, đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá kết quả đầu ra thay vì can thiệp sâu vào quá trình thực thi. Việc phân quyền phải gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, tránh tình trạng buông lỏng quản lý hoặc lạm quyền.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phượng đề xuất thêm, cần triển khai đồng bộ các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Đặc biệt chú trọng cán bộ cơ sở có phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng với thay đổi. Cùng với đó, phát huy vai trò giám sát xã hội và phản biện chính sách từ phía nhân dân, coi đây là “hàng rào mềm” nhưng hiệu quả để bảo đảm cải cách diễn ra công khai, minh bạch và đúng hướng. Thành công của mô hình hai cấp không chỉ nằm ở việc tổ chức lại bộ máy, mà còn ở chất lượng vận hành và sự đồng thuận xã hội là yếu tố then chốt trong mọi cải cách vì dân.
Quản lý nhà nước theo hướng “kiến tạo” và “hậu kiểm”

Cử tri Tổ dân phố số 36, phường Mai Động, Hoàng Mai (Hà Nội) cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tên gọi của phường mới. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Bí thư Chi bộ Địa bàn dân cư số 2 Phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, Nguyễn Xuân Tùng đánh giá, trong bối cảnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, các thủ tục hành chính ngày càng được giải quyết trên môi trường mạng, trình độ cán bộ không ngừng nâng lên thì việc tổ chức lại mô hình chính quyền từ 3 cấp thành 2 cấp (tỉnh và cơ sở) là cần thiết, thể hiện sự quyết đoán và đúng thời điểm của Trung ương Đảng. Chủ trương này thể hiện rõ tinh thần đổi mới, đồng bộ với các định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên số, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Tùng nhận định, nếu không mạnh dạn xóa bỏ những tồn tại trong mô hình 3 cấp thì chính mô hình này sẽ trở thành lực cản đối với xu thế phát triển. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thông tin, truyền thông hiện đã phát triển đủ mạnh để hỗ trợ mô hình 2 cấp hoạt động hiệu quả. Cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung đều tin tưởng vào chủ trương mang tính lịch sử này của Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tùng cũng cho rằng, nếu năng lực cán bộ và cơ chế hoạt động không được xác lập rõ ràng, cụ thể theo mô hình mới thì rất dễ phát sinh những điểm nghẽn, ảnh hưởng tới hiệu quả điều hành kinh tế và đời sống xã hội. Do đó, cần tiến hành đồng thời hai cuộc “cách mạng” về công tác cán bộ và thể chế hoạt động của mô hình 2 cấp. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, người đứng đầu để tăng hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng trong quản lý nhà nước.
Theo hướng đó, các bộ, ngành ban hành chính sách và giám sát kết quả thực hiện; cấp tỉnh, xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và giải trình kết quả, bảo đảm mô hình quản lý mang tính “kiến tạo” và “hậu kiểm”, phù hợp với cơ chế phân quyền và đổi mới quản trị quốc gia.
Vững mạnh từ cơ sở, kiên quyết chống suy thoái trong nội bộ

Người dân Hà Nội cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Đồng quan điểm về vai trò nền tảng của tổ chức cơ sở Đảng, ông Lê Tiến Lợi, nguyên Bí thư Đảng bộ thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, chủ trương tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp là phù hợp trong bối cảnh công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp lần thứ XIV đang diễn ra sổi nổi.
Theo ông Lê Tiến Lợi, trong quá trình thực hiện chủ trương này, chi bộ cần thực sự gương mẫu, phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; lựa chọn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới phải dân chủ, công tâm, minh bạch, lựa chọn đúng người có đức, có tài, tận tụy vì tập thể để thực hiện những đổi mới của đất nước.
Để đạt được điều đó, cần tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nguồn, đặc biệt là cán bộ trẻ và cán bộ nữ, những lực lượng kế cận quan trọng của Đảng. Cùng với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự, có sự phối hợp đồng bộ giữa chi bộ và cấp ủy cấp trên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân là một yếu tố thiết yếu, giúp ngăn ngừa sớm những biểu hiện lệch chuẩn trong công tác cán bộ.