Mở cửa du lịch từ 15/3: Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ

Trước tình thế cấp bách để 'giải cứu' ngành du lịch, Chính phủ đã đồng ý 'mở bung' du lịch vào ngày 15/3 sắp tới, tức là chỉ còn 4 ngày nữa là bước vào giai đoạn 'bình thường mới' ngành du lịch.

Trong hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại rất nặng. Hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành đã phá sản, kéo theo hàng triệu lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh thất nghiệp.

Việt Nam đang được rất nhiều du khách quốc tế tìm kiếm

Tại Diễn đàn "luồng xanh” cho du lịch cất cánh diễn ra vào sáng nay (11/3), ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Theo báo cáo của UNWTO, dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành Du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh. Ảnh: Quốc Tuấn

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong lịch sử hơn 60 năm đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra.

Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Do đó, để “cấp cứu” ngành du lịch, không còn cách nào khác là mở cửa du lịch, nhất là cho phép du khách quốc tế tới Việt Nam.

Trong khi đó, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trích dẫn số liệu từ Google cho thấy, Việt Nam đang được rất nhiều du khách nước ngoài tìm kiếm để trở thành điểm đến du lịch.

Cụ thể, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Đặc biệt, hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, bà Trần Thị Lan Anh đánh giá đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19 và trước những diễn biến vẫn còn phức tạp hiện nay, chắc chắn việc sống chung với COVID-19 sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà tiếp tục đóng cửa du lịch.

“Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.

Mở cửa du lịch Vận dụng linh hoạt 5K

Trước tình thế cấp bách để “giải cứu” ngành du lịch, Chính phủ đã đồng ý “mở bung” du lịch vào ngày 15/3 sắp tới, tức là chỉ còn 4 ngày nữa là bước vào giai đoạn “bình thường mới” ngành du lịch.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Dù Chính phủ đã đồng ý mở cửa du lịch vào ngày 15/3, một số yêu cầu phòng chống dịch cũng đã được nới lỏng nhưng cũng không được buông lỏng.

“Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ”, PGS.TS Nguyễn Đắc Phu nhấn mạnh.

Về cách ly tập trung, cách ly tại nhà, ông Phu cho biết, người nhập cảnh cần được thực hiện thuận tiện. Hiện đang đề xuất có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ không phải cách ly. Với F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc mắc COVID-19 khỏi bệnh trong vòng 3 tháng: đang đề xuất cho đi làm, thực hiện theo dõi và phòng bệnh). Với F0, cách ly 7 ngày, nếu ngày thứ 7 xét nghiệm âm tính hoặc 10 ngày, hiện đang đề xuất cho F0 là nhân viên y tế không triệu chứng đi làm tại cơ sở điều trị F0.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh tới đâu cách ly tới đó, không còn cách ly xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời khẳng định 5K là cần thiết, nhưng cần linh hoạt, các K bổ trợ cho nhau. Ví dụ trong du lịch, 5K ở ngoài trời, tại bảo tàng và nhà hàng sẽ thực hiện khác nhau.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế, phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch.

Riêng ngành du lịch, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.

Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định.

Trên cơ sở đó, ông Phu cho rằng, không phải áp dụng tất cả các K mọi lúc, mọi nơi, nhưng cần linh hoạt, xác định khi nào, K nào áp dụng được, K nào chủ đạo, K nào hỗ trợ.

Khẩu trang cần áp dụng tối đa có thể, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu, giúp xử lý gọn.

Về cách xử lý, nguyên Cục trưởng Cục Y tế nhấn mạnh cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Không lạm dụng đánh giá F1, ccách ly theo quy định. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu, truyền thông phổ biến cho khách nắm được quy định, biên soạn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn.

“"Dĩ bất biến ứng vạn biến", tùy theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Chúng ta cũng mạnh dạn mở cửa ngày 15/3 tới đây”, PGS TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-cua-du-lich-tu-15-3-noi-long-toan-bo-nhung-phai-co-du-phong-dong-bo-post184981.html