Minh Vương, Trọng Phúc, Vũ Luân nhớ về vai diễn Đức Phật

Vai diễn Đức Phật Thích Ca đã mang lại cho nghệ sĩ sân khấu cơ hội được thể hiện nhân cách từ bi, gửi gắm đến khán giả tinh thần lạc quan

NSND Trọng Phúc hóa thân nhân vật Đức Phật

NSND Trọng Phúc hóa thân nhân vật Đức Phật

Nằm trong chuỗi sự kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chương trình giao lưu âm nhạc nghệ thuật Phật giáo quốc tế do Ban Văn hóa Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ đạo tổ chức sẽ diễn ra vào tối ngày 7-5 tại Thisky Hall, Khu đô thị Sala Thủ Đức, TP HCM.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM). Dự kiến có khoảng 3.000 đại biểu tham dự, trong đó khoảng 1.300 đại biểu quốc tế từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 1.500 đại biểu trong nước, cùng hàng nghìn tăng ni, Phật tử tham gia.

Chương trình có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Phật giáo đến từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan… góp phần làm phong phú thêm nội dung giao lưu văn hóa trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.

NSƯT Lê Trung Thảo hóa thân nhân vật Đức Phật

NSƯT Lê Trung Thảo hóa thân nhân vật Đức Phật

NSƯT thạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ: "Đây là cơ hội để công chúng thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc Phật giáo, thông qua đó giới thiệu về văn hóa của những quốc gia tham dự sự kiện ý nghĩa này tại TP HCM. Riêng nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, nhiều năm qua đã sáng tác rất nhiều tác phẩm từ kịch bản văn học đến bài ca cổ, dân ca, điệu lý về đề tài Phật giáo, sẽ có cơ hội thể hiện góc nhìn rất riêng của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được Tổ chức UNESCO công nhận, hòa vào những nét độc đáo, tinh hoa của nghệ thuật các nước trong sự kiện trọng đại này".

Đối với các nghệ sĩ, sự kiện này không chỉ là dịp tôn vinh ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là lễ hội văn hóa quốc tế với chủ đề "Hòa hợp và Bao hàm vì Nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" . Một trong những điểm nhấn đặc sắc của Vesak 2025 là các tiết mục nghệ thuật Phật giáo đến từ nhiều quốc gia.

NSND Minh Vương trong vai Thái tử A Xà Thế

NSND Minh Vương trong vai Thái tử A Xà Thế

Về sân khấu cải lương, ngoài hai tác phẩm "Đi tìm chân lý" và "Sự thật Phật Thích Ca" của đoàn Cải lương Phật giáo Thanh Nga, các nhóm nghệ sĩ TP HCM còn tổ chức biểu diễn tại các chùa với những trích đoạn kể về cuộc đời Đức Phật.

Trên sân khấu cải lương, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công vai Đức Phật và lần này họ sẽ có cơ hội hóa thân trong các vở diễn như: "Sự tích Phật Thích Ca", "Đi tìm chân lý", "Ánh đạo vàng", "Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông"…

NSƯT Lê Trung Thảo được đánh giá cao khi thường xuyên thủ vai Đức Phật trong nhiều vở diễn của Đoàn cải lương Phật giáo Thanh Nga. Anh chia sẻ: "Mỗi lần nhận vai Phật, tôi đều cảm thấy như đang đứng trước một gương soi nội tâm. Tôi không chỉ học thoại, ca vọng cổ mà còn học cách lắng lại tâm mình. Vai diễn này không thể diễn bằng kỹ thuật, mà phải diễn bằng niềm tin và lòng tôn kính."

NSƯT Vũ Luân và NSND Thanh Ngân trong vở "Thái tử A Xà Thế"

NSƯT Vũ Luân và NSND Thanh Ngân trong vở "Thái tử A Xà Thế"

NSND Trọng Phúc cũng từng thể hiện vai Đức Phật trong tác phẩm "Cuộc đời Đức Phật" do đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum dàn dựng, đã để lại ấn tượng mạnh qua diễn xuất thần thái của anh. "Khó nhất là làm sao truyền tải sự từ bi và trí tuệ của Ngài chỉ bằng ánh mắt, điệu bộ. Tôi xem đó là một sứ mệnh nghệ thuật, đồng thời là một hành trình tu tập cá nhân cũng như hòa mình vào những hoạt động ý nghĩa." – NSND Trọng Phúc tâm sự.

Các chương trình nghệ thuật Phật giáo diễn ra tại TP HCM không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn góp phần nâng cao lòng từ bi, yêu chuộng hòa bình và kết nối cộng đồng, đúng với tinh thần của Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.

NSƯT Tâm Tâm và NSƯT Lê Trung Thảo trong vở "Cuộc đời Đức Phật"

NSƯT Tâm Tâm và NSƯT Lê Trung Thảo trong vở "Cuộc đời Đức Phật"

NSND Kim Cương cho biết cố soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn - người có nhiều tác phẩm cải lương Phật giáo được tái dựng dịp này, qua những vở tuồng ông viết, bà đánh giá đó là cơ hội cho các thế hệ nghệ sĩ thể hiện vai Đức Phật.

"Nhân vật Đức Phật không dành cho người biểu diễn đơn thuần. Người thể hiện phải có đạo hạnh, hoặc ít nhất là tâm nguyện học theo đạo. Khi người nghệ sĩ hiểu được chân lý từ bi – trí tuệ, thì mỗi bước đi trên sân khấu đều trở thành bước chân thiêng liêng. Đây là dịp nghệ sĩ TP cùng hướng về những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, phụng sự những điều tốt đẹp cho cộng đồng."- NSND Kim Cương nói.

NSND Minh Vương đã từng thể hiện thành công vai Thái tử A Xà Thế, ông nói: "Được diễn vai Đức Phật là phước lành của tôi. Vai diễn đòi hỏi sự thể hiện nghiêm túc trong ca diễn và trên hết là tinh thần lạc quan truyền lại đến khán giả".

NSƯT Vũ Luân cũng cho biết được diễn trong vở cải lương nói về Đức Phật là diễm phúc lớn, vì khi thể hiện vai diễn này sẽ có trong hành trang đời nghệ sĩ những bài học quý giá để khắc phục những hạn chế từ nghề nghiệp cho đến cuộc sống. "Vai diễn có nhiều bài hát, câu thoại ý nghĩa lắm, dạy mình sống tốt hơn mỗi ngày, kịch bản văn học viết về Đức Phật đã mang lại cho tôi nhiều duyên lành trong cuộc đời" – NSƯT Vũ Luân chia sẻ.

Thanh Hiệp (ảnh NSCC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/minh-vuong-trong-phuc-vu-luan-nho-ve-vai-dien-duc-phat-196250507063554095.htm