Miền Trung quay quắt vì nắng nóng

Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt phủ khắp các tỉnh miền Trung. Hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp cùng hàng chục ngàn hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Ruộng khô, người khát

Trưa 18-6, có mặt tại thôn 2, xã Hương Thủy, nơi được xem là “chảo lửa” ở huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), PV Báo SGGP ghi nhận, mặc dù nằm gần dòng sông Ngàn Sâu nhưng nhiều khu vực cánh đồng Ông Voi, Động Trẹo… trong tình trạng bỏ hoang, cỏ cây chết khô; các tuyến kênh mương, cầu cống cạn trơ đáy, nứt nẻ. Nhiều thửa ruộng dù đã gieo cấy vụ lúa hè thu nhưng không thể đảm bảo được nguồn nước tưới nên phát triển kém, còi cọc, nứt nẻ nham nhở vết chân chim. Cạnh đó, nhiều diện tích bắp, đậu xanh, cam, bưởi, rau màu các loại cũng trong tình trạng bị khô héo, có nguy cơ chết cháy.

 Ruộng lúa của bà Lê Thị Tần (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị khô nứt nẻ. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Ruộng lúa của bà Lê Thị Tần (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị khô nứt nẻ. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Đứng trên ruộng lúa khô nứt nẻ ở cánh đồng Ông Voi giữa gió Lào rát bỏng, bà Lê Thị Tần (sinh năm 1959, trú thôn 2, xã Hương Thủy) than: “Nắng nóng càng kéo dài thì đồng khô, cỏ cháy hết. Hiện, 7 sào ruộng lúa nhà tôi chỉ có 1 sào đủ nước tưới, còn lại phải bỏ hoang. Vườn cam, bưởi và hơn 1 sào bắp cũng bị khô héo, quả bị vàng nhủn và teo tóp”.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), cho biết, toàn xã có 310ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng do thiếu nước tưới nên vụ hè thu này chỉ sản xuất 70ha, diện tích đất còn lại phải bỏ hoang. Trên địa bàn có 9 hồ đập lớn nhỏ nhưng mực nước đều đã xuống thấp, trong đó một số hồ đập mực nước xuống ngưỡng dưới 50% và đang tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Vì vậy, trong số 70ha đất lúa hè thu vừa gieo sạ thì có 30ha có nhiều khả năng mất trắng vì không có nước tưới mấy ngày qua. Ngoài ra, trên 20ha bắp, trên 10ha đậu xanh… bị khô héo. Cùng với ảnh hưởng đến sản xuất, hàng loạt giếng khoan, giếng đào tại các thôn trên địa bàn cũng đã bị cạn kiệt nguồn nước ngầm, nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, gây khó khăn rất lớn cho đời sống của người dân.

Cấy lúa lúc nửa đêm

Những ngày này, bà con nông dân các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Yên Định… (tỉnh Thanh Hóa) đang tăng tốc cấy lúa “khép đồng” vụ hè thu. Tuy nhiên, do nắng nóng bất thường này khiến công việc bị đảo lộn. Để kịp nông vụ, bà con phải cấy đêm đến 21-22 giờ hoặc đi cấy sớm từ 3-4 giờ sáng. Bà Trịnh Thị Thuận ở thôn 1 (xã Đông Quang, huyện Đông Sơn) cho biết phải tranh thủ cấy phần diện tích còn lại, nếu không cấy kịp nước thủy nông cắt cho địa phương khác, khi ấy nước không vào ruộng thì sẽ không thể cấy được nữa.

Nắng nóng diễn biến phức tạp, khiến trữ lượng nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giảm nhanh. Trước tình cảnh này, Quảng Ngãi đã có kịch bản dừng sản xuất 318,5ha đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi trên 661ha đất lúa sang cây trồng cạn để tiết kiệm nước. Do nắng nóng kéo dài khoảng 1 tuần nữa nên có khoảng 9.172,3ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước và khoảng 15.572 người thiếu nước sinh hoạt.

 Người dân ven sông Côn (tỉnh Bình Định) bơm nước để “giải khát” cho các vùng sản xuất hoa màu. Ảnh: NGỌC OAI

Người dân ven sông Côn (tỉnh Bình Định) bơm nước để “giải khát” cho các vùng sản xuất hoa màu. Ảnh: NGỌC OAI

Tại tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Do nắng nóng nên gần 2.000ha đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất và 6.000 hộ dân (24.276 người) đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, tại các huyện Vân Canh, Phù Mỹ, Tây Sơn… Trong khi đó, 12 hồ chứa đang sửa chữa nâng cấp, phải tháo cạn để thi công nên tình trạng khô hạn sẽ khốc liệt hơn.

5 người thiệt mạng do mưa dông, sét, sạt lở

Thông tin từ tỉnh Bắc Kạn, vào khoảng 2 giờ sáng 18-6, một vụ lở đất xảy ra tại thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) đã khiến 4 người trong một gia đình bị vùi lấp, tử vong, gồm: bà H.T.T. (sinh năm 1981); ông N.C.C. (sinh năm 1983); N.T.M. (sinh năm 2006) và 1 cháu bé khoảng một tháng tuổi (gia đình chưa kịp khai sinh). Có một người kịp chạy thoát là cháu N.T.S. (sinh năm 2007). Nguyên nhân sạt lở đất do trên địa bàn có mưa to. Cùng ngày, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã xuất hiện đợt mưa lũ mới.

Tại Hà Giang, trong ngày 18-6 có mưa lớn. Khoảng 5 giờ sáng, bà Lầu Thị M., (sinh năm 1963, trú xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc) đang nhóm lửa nấu cơm thì bị sét đánh trúng, tử vong tại chỗ. Trước đó, khoảng 3 giờ ngày 16-6, anh Đ.H.L., 29 tuổi, ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn bị sét đánh gây thương tích nặng, phải đi cấp cứu.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, ngày 18-6, Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ, tỉnh Hòa Bình, toàn bộ khu vực Trung bộ tiếp tục nắng nóng.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-quay-quat-vi-nang-nong-post745226.html