Miền Trung: Ấm lòng những chuyến biển đầy vị 'ngọt'
Cuối năm, trên những cảng cá ở miền Trung, hàng trăm tàu thuyền từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa hồ hởi trở về mang theo tôm, cá đầy khoang. Năm nay, chuyến biển cuối năm mưa thuận gió hòa, đánh trúng luồng cá hải sản được giá nên bà con ngư dân ai cũng phấn khởi, vui mừng.
Vụ cá Tết đầy vị ‘ngọt’
Những ngày cuối năm tại cảng cá lớn nhất miền Trung (âu thuyền Thọ Quang, TP. Đà Nẵng), thời tiết đẹp để "ủng hộ" những con tàu của ngư dân vươn khơi đánh bắt cá vụ Tết và trung bình mỗi ngày có 50-60 tàu cá công suất lớn của ngư dân các tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi...) tấp nập trở về mang theo hải sản đầy khoang.
Không giấu nổi niềm vui vì vừa cập cảng và bán thành công cho thương lái hơn 2,5 tấn lộc biển, ngư dân Phạm Văn Trung, tàu QNg 97609 TS công suất 900 CV, trú xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi, cho biết: Năm nay do thời tiết tương đối đẹp nên việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn so với mọi năm, bình thường mỗi chuyến biển đi mất 12-15 ngày thì những ngày cận Tết, các chủ tàu cá chỉ ra khơi khoảng 8-10 ngày rồi nhanh chóng cập bến.
Vụ cá Tết này, tàu chủ yếu đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Nếu trừ chi phí xăng dầu, đá... chuyến này anh em bạn thuyền được chia mỗi người hơn 15 triệu đồng về quê ăn Tết.
“Trong năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các bạn thuyền cùng đi khai thác cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ không có dư dả gì, do đó các thuyền viên ai cũng quyết tâm vươn khơi chuyến biển cuối năm.
Chuyến này vừa về tối qua, ước bán khoảng 650 triệu đồng. Vậy là anh em có thêm thu nhập để mua sắm, trang trải cuộc sống gia đình và đón Tết được vui tươi, đầm ấm”, ngư dân Phạm Văn Trung cho biết.
Cũng vừa cập cảng sau chuyến đi 8 ngày, các thuyền viên tàu cá Đà Nẵng (ĐNa 91169 TS) đang tất bật chuyển giao cá cho chủ hàng.
Ngư dân Bùi Văn Trúc (tàu ĐNa 91169 TS) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, giá cá lại cao nên chuyến biển này rất hiệu quả. Các thuyền viên đều vui vì không ngờ chuyến biển cuối cùng của năm lại thắng lớn hơn cả kỳ vọng.
"Chi phí cho chuyến biển cuối năm phải tốn 200 triệu đồng, bù lại đi biển Tết về, cá mực gì cũng được giá nên lãi cao. Tàu tôi đi gần 10 ngày/chuyến, về bán cá được 150 triệu đồng, trừ chi phí mỗi người được 10-12 triệu đồng”, ngư dân Trúc nói.
Ông Nguyễn Lại, Phó trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) cho hay, trong những ngày cuối năm và cận Tết này, lượng hải sản hằng ngày về từ các vùng biển, trong đó đặc biệt là Hoàng Sa, ước đạt khoảng hơn 150 tấn hải sản/ngày.
Năm nay, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho bà con vươn khơi bám biển nên lượng hàng về rất dồi dào, đủ chủng loại. Trung bình mỗi ngày cảng đón từ 50-60 tàu công suất lớn của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng vào bờ, cung cấp cho thị trường miền Trung trong dịp Tết. Sản phẩm đánh bắt chủ yếu là cá thu, cá ngừ, cá chim, cá hố mực... có giá trị kinh tế cao.
"Để đón một lượng tàu lớn vào dịp cuối năm, Ban Quản lý đã tăng cường bố trí lực lượng trực, hỗ trợ bà con ngư dân khi ra, vào cảng, thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Lại cho biết.
Bám biển "xuyên Tết"
Trong khi hàng trăm tàu công suất lớn của ngư dân tấp nập vào bờ rồi trở về quê đón Tết thì tại Cảng cá Thọ Quang, nhiều tàu công suất lớn lại đang chuẩn bị "tư trang" cho chuyến vươn khơi “xuyên Tết”.
Để đi chuyến biển "xuyên Tết", ngoài hàng hóa cần thiết như một chuyến biển bình thường, các ngư dân còn chu đáo sắm sửa thêm lễ vật cúng giao thừa, đón Xuân trên biển. Nhang, đèn, hoa quả và cả những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ là những thứ không thể thiếu trên các tàu cá vươn khơi mấy ngày Tết. Và lá cờ Tổ quốc cũng được các thuyền viên treo ở nơi trang trọng. Họ sẽ ngồi cạnh nhau ấm cúng đón giao thừa giữa biển quê hương.
Đang chuẩn bị mâm cơm tất niên sau chuyến biển cuối năm, ngư dân Phan Văn Định, thuyền trưởng tàu QNg 98308 TS tươi cười cho biết: Tàu anh đang tiếp 400 cây đá và 5.500 lít dầu với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng để bám biển xuyên Tết.
So với chuyến biển trước, chuyến biển này chi phí có tăng hơn chút ít vì dịp cận Tết mọi thứ đều tăng lên. Bám biển xuyên Tết khi trở về vào đầu tháng Giêng giá cả thường sẽ rất cao nên các ngư dân hy vọng có được chuyến biển bội thu để bù lại chi phí.
“Chúng tôi đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm khá đầy đủ: Bánh, mứt, thịt heo, củ kiệu... Đêm giao thừa, các tàu kéo còi báo hiệu lại gần nhau tụ họp nói chuyện, ăn bánh mứt, gửi những lời chúc đầu năm mới được thuận buồm xuôi gió, tôm cá nặng đầy khoang", ngư dân Phan Văn Định chia sẻ.