Miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng nguồn điện

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 7, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, thì hệ thống miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.

Báo cáo về tình hình cung ứng điện 6 tháng đầu năm, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, 6 tháng qua, công suất cực đại toàn hệ thống điện liên tiếp thay đổi (ngày 27/4 Pmax đạt 47.670 MW, ngày 19/6 lên 49.533 MW, cách xa Pmax năm 2022 – 45.528 MW) nên việc huy động các nguồn điện cũng khác so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 151,69 tỷ kWh, cao hơn 776 triệu kWh so kế hoạch năm.

Trong đó, huy động các nguồn nhiệt điện than cao hơn 556 triệu kWh so với kế hoạch, đạt tổng sản lượng 86,4 tỷ kWh (chiếm 56,96% tổng sản lượng 6 tháng); nhiệt điện dầu huy động cao hơn 88 triệu kWh; thủy điện cao hơn 658 triệu kWh, tổng sản lượng đạt 28,62 tỷ kWh (chiếm 18,86%)…

Công nhân đang thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: EVN.

Công nhân đang thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: EVN.

Các nguồn nhiệt điện khí huy động tương đương so với kế hoạch, đạt 13,08 tỷ kWh; huy động các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20,67 tỷ kWh (chiếm khoảng 13,63%), trong đó, nguồn năng lượng gió đạt 6,123 tỷ kWh, điện mặt trời đạt 13,88 tỷ kWh.

Bộ Công thương đánh giá, đến nay, hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải, tuy nhiên, trong tháng 7, với kịch bản thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, trường hợp các nhà máy nhiệt điện than bị sự cố/suy giảm công suất, thì hệ thống miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.

Bộ này tính toán, nếu trường hợp này xảy ra, sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, đồng thời huy động thêm các nguồn phát diesel mượn của khách hàng để đảm bảo cung ứng đủ điện.

Trong giai đoạn tháng 8-12, dự phòng công suất hệ thống điện miền Bắc vẫn còn thấp, các đơn vị phát điện cũng cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đảm bảo duy trì công suất khả dụng và độ sẵn sàng của thiết bị.

Đối với hệ thống điện miền Nam và miền Trung, dù đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong cả năm 2024. Tuy nhiên, hiện nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, các mỏ khí dừng hoạt động để bảo dưỡng, Bộ Công thương lập kế hoạch, huy động các nguồn linh hoạt như chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu DO, bổ sung khí LNG cho các tổ máy tuabin khí và các tổ máy chạy dầu Cần Thơ, Thủ Đức... để đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như đáp ứng phụ tải cao điểm tối khi nguồn điện mặt trời không phát công suất.

Bên cạnh các kế hoạch trên, Bộ Công thương cũng yêu cầu tăng cường giải pháp về điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện; các dự án lưới điện giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ, mua điện Lào…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mien-bac-co-nguy-co-khong-con-du-phong-nguon-dien-192240628084645104.htm