Mênh mang du ngoạn lòng hồ
Mặt hồ quanh năm xanh biếc như chiếc gương khổng lồ soi bóng nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng. Người ta bảo, muốn thấy được hết cái thi vị, hữu tình của hồ phải đi câu cá đêm. Giữa trăng thanh gió mát, nhấm nháp chút men luận bàn về nhân tình thế thái. Thử mấy ai được một lần thả hồn nên thơ đến vậy ở những chốn này.
Viên ngọc xanh giữa núi rừng Bá Thước
Từ trung tâm TP Thanh Hóa, theo Quốc lộ 45 và 217 qua huyện Cẩm Thủy, chúng tôi trở lại làng Đèn, xã Điền Hạ (Bá Thước). Vẫn là những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào Mường, Thái. Ngày lúa trỗ bông, cả một vùng đất hoang sơ, thanh bình thoảng thơm mùi cốm mới.
Hồ Duồng Cốc có diện tích mặt hồ 57ha, độ sâu 40m, tọa lạc tại thung lũng giữa những núi Đèn, Nạc và đồi Tràu được tạo nên vì sứ mệnh cung cấp nước tưới tiêu cho 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Những ngày tháng 5, vách núi quanh hồ phơi mình dưới nắng. Trên mặt hồ, chiếc bè trôi nhẹ trên vùng nước xanh lục mênh mông. Hiện ra trước mắt chúng tôi là gò Khang Cao, gò Giằng Rượu, gò Vịt tĩnh lặng và bình yên.
Chiều về, sương mờ bảng lảng phủ khắp cảnh vật, mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc kỳ bí, cuốn hút. Ẩn hiện trong lớp khói lam chiều là dáng núi, dáng hồ, điểm tô bằng những nếp nhà sàn thấp thoáng. Ông Điện, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ gần hồ, chia sẻ: “Hồ Duồng Cốc mùa nào cũng đẹp.Từ tháng 5 - 8 là khoảng thời gian đẹp nhất để chụp ảnh hay thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình vì nước trong xanh. Từ tháng 8 - 10 thời tiết mát mẻ, mang đến cảm giác rất thoải mái và dễ chịu cho du khách".
Có khách đến thuê bè dạo chơi trên mặt hồ rồi về, cũng có khách đặt đồ ăn ngồi thưởng thức trong các căn chòi lộng gió bên bờ hồ. Bữa ăn sẽ là những sản vật của hồ Duồng Cốc: gà thả rừng; tôm, cá được bắt lên từ hồ, cơm nếp của người Mường... Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức món cá chạch làn nướng - đặc sản của người Mường vùng hồ Duồng Cốc.
Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Hằng năm, người dân thường tổ chức các lễ hội đặc sắc, như: Lễ cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới, mừng thọ cho người già, mừng đầy tháng con... Nhấp chén rượu thơm mùi lúa mới, du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, như tung còn, hát khặp... Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, từng đôi trai gái bên sắc phục dân tộc nhảy những điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... Rồi những phiên chợ vội vàng mở mỗi sáng, những bà mế đem bán dăm ba gói rau rút, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới... Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến du khách cảm nhận một phần về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây.
“Cô gái Thái” ẩn mình trên non cao
Nhiều người ví hồ Pha Đay, thuộc bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) như “cô sơn nữ” ngủ yên giữa núi rừng. Nhưng giờ đây “cô sơn nữ” đã được đánh thức, tươi đẹp từng ngày, gọi mời du khách gần xa đến chiêm ngưỡng... Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang, hồ Pha Đay nghĩa là hồ nằm trên đỉnh ngọn núi Bút.
Hồ cách mặt nước biển khoảng 1.250m, rộng khoảng 2,2ha và được bao bọc bởi những núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Theo lời bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, một người con bản Bút, Pha Đay vốn là hồ tự nhiên. Năm 1977, người dân làm đường dẫn nước từ hồ xuống núi. Kể từ đó, hồ Pha Đay được sử dụng như một công trình thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong vùng. Năm 1992, UBND xã giao khoán hồ cho hội cựu chiến binh khai thác, nuôi thả cá, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái xung quanh.
Nằm trong một thung lũng nhỏ hẹp trên mảnh đất Mường Ca Da, bản Bút được bao bọc bởi 910ha rừng nguyên sinh và có con suối Bút, suối Hang Dàm chạy quanh. Bản đã tồn tại dưới chân núi Pha Đay cách đây hàng trăm năm, với cái tên ban đầu là Bản Bụt. Tên gọi bắt nguồn từ sự tích về 3 pho tượng Bụt, dưới chân núi Pha Bụt được xem là thần bảo hộ cho con người, mùa màng nơi đây. Tượng rất linh thiêng nên được dân bản tôn thờ, bảo vệ. Bỗng một ngày, 1 trong 3 pho tượng mất tích, dân làng sợ thần linh trách phạt nên không dám nhắc đến từ Bụt, tên bản cũng vì thế gọi lái sang thành bản Bút. Bản Bút hiện nay có trên một trăm nóc nhà sàn, quần tụ trong một khoảng không gian nhất định.
Con đường dẫn lên hồ dài gần 3km, cũng là huyết mạch giao thông của bản giờ đã được bê tông hóa, nhưng không hề nhàm chán vì sự chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc dựng đứng; hai bên là những thửa ruộng bậc thang xen lẫn những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái. Đến với bản Bút những ngày này, du khách không chỉ đắm chìm vào phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn được trải nghiệm cùng người dân nơi đây gặt lúa trên những cung ruộng bậc thang.
Khai thác du lịch trong lòng hồ không phải là câu chuyện mới, đã làm từ chục năm nay ở nhiều địa phương nhưng đa số vẫn là theo cách người dân địa phương tự làm. Vì thế, các dịch vụ đều ở mức độ vừa đủ nên ít được nhiều người biết đến.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/menh-mang-du-ngoan-long-ho-31172.htm