Mẹ tôi
Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Mã. Mảnh đất đã đi vào thơ Quang Dũng với bài 'Tây Tiến' nổi tiếng. .. Một kí ức đẹp về quê hương miền Trung đầy nắng gió, nơi này có người mẹ không sinh ra tôi nhưng luôn yêu thương như chính bà sinh ra.
Tuy tôi không phải do mẹ đẻ ra nhưng mẹ là người chăm bẵm nuôi nấng. Sáu đứa con của chồng được mẹ nuôi dạy nên người. Đứa nào cũng như củ khoai, củ sắn hiền lành, ngoan ngoãn và lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Mẹ Cả sinh ra trong một gia đình khá giả của làng. Khi mẹ tôi còn là cô bé tóc đuôi gà vừa tròn mười bốn tuổi về làm dâu, bố tôi mới mười sáu, đôi bên gia đình thống nhất chọn ngày lành tháng tốt rước dâu về . Mọi việc từ đồng áng, chợ búa, việc nhà đều chu tất. Mẹ chịu thương chịu khó nên ai cũng quý. Tuy nhiên, ông bà nội tôi và họ hàng mong mãi mà mẹ tôi không sinh nở . ..
Mỗi tối, nhìn chồng ngồi hút thuốc lào, rồi thở dài, mẹ lén lấy vạt áo lau nước mắt. Là phụ nữ ai cũng khát khao được làm mẹ được bế bồng, chăm sóc con cái… nhưng không thể.
Mẹ nhờ người mai mối cho bố. Rồi đích thân mẹ mang lễ tới hỏi và rước về (đó chính là mẹ đẻ của tôi). Mẹ đẻ của tôi đã có con với người chồng trước, do bị bệnh nên ông đã qua đời. Mẹ tôi từ Thái Bình, theo ông bà ngoại vào tận Thanh Hóa để làm ăn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 thì tôi chào đời. Cả nhà rất đỗi vui mừng, nhất là bố tôi và hai bà mẹ. Mẹ đẻ sinh nở được sáu người con nhưng được mẹ Cả thương yêu rất mực. Hai bà cùng sống dưới một ngôi nhà nhưng không điều tiếng gì.
Ông bà ngoại chuyển về quê sinh sống. Vì mẹ là con gái duy nhất của ông bà nên phải về quê để chăm sóc cha mẹ già (bố tôi cùng chúng tôi thỉnh thoảng lại về thăm mẹ). Thế là mẹ Cả tôi nuôi dạy bấy nhiêu đứa con của chồng không hề kêu ca nửa lời,
Rồi một ngày, trời thương, cả nhà rất đỗi vui mừng khi mẹ mang bầu. Vào một chiều thu, em gái út của chúng tôi ra đời. Chúng tôi quây quần bên mẹ, nắn vuốt từng ngón tay hồng hồng, múon thơm lên cái miệng chúm chím như son của em. Cả nhà thương em lắm. Chúng tôi luôn giành nhau bế em. Cô em gái thật ngoan, hiền.
Thế là niềm mong mỏi đã trở thành hiện thực, đúng là trời đã bù đắp cho tấm lòng của người nhân hậu.
.Mùa xuân năm 1972, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ, mẹ và cả nhà tiễn tôi lên đường đi bộ đội.
Sau thời gian huấn luyện tôi cùng đơn vị ra trực chiến trên đảo Hòn Mê (Hòn Mê là một đảo trong Vịnh Bắc Bộ thuộc vùng đất tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Về hành chính quần đảo hiện thuộc phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa).
Mẹ thương tôi phải bỏ học dở chừng vì nhà nghèo, vì chiến tranh. Cái hôm tôi có giấy gọi nhập ngũ mẹ thao thức không ngủ. Mẹ biết tôi đã trót nhớ thương một cô bạn cùng quê. Nếu tôi không nhập ngũ thì đám cưới đã diến ra.
Hôm tiễn tôi đến cuối làng, mẹ nghẹn ngào, dặn dò tôi từng ly. Bà cố giấu những giọt nước mắt. Trong sâu thẳm trái tim tôi biết rất rõ mẹ yêu con chồng như chính máu thịt của mình.
Tiếng sóng biển, ngày đêm làm cho tôi nhớ đất liền, nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, nhớ các em.
Mọi lần các tốp máy bay địch thường ầm ầm xé toang bầu trời yên tĩnh, nhưng lần này, chúng nhằm vào trận địa chủa chúng tôi. Chúng dội bom đánh phá. Do đã cảnh giác nên đơn vị đã chuyển từ chế độ trực chiến sang chủ động chiến đấu. Sau nhiều đợt đợt quân ta đánh thắng, chúng huy động đánh phá các đợt tiếp theo. Trong trận này, tôi và một đồng đội bị đánh bật ra khỏi vị trí. Tôi bất tỉnh, sau sơ cứu , đơn vị đưa tôi về đất liền điều trị.
Để cả nhà yên lòng, tôi đã giấu gia đình, khi bình phục tôi được điều chuyển sang chiến trường Nam Lào.
Năm 1974, tôi về phép. Mẹ tranh thủ đi hỏi vợ cho tôi. Ngày con trai cưới vợ, mẹ vui trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc... cưới vợ được vài ngày , tôi lại sốc ba lô trở lại đơn vị.
Chiến tranh kết thúc, chưa thấy con trở về nên mẹ vừa thương con dâu vừa vô cùng lo lắng. Vợ tôi thấp thỏm đợi chờ. ..
Một chiều cuối thu, tôi khoác ba lô về thăm quê. Vừa về đến đầu làng, mọi người tíu tít hỏi thăm. Vào tới sân, mẹ sững sờ nhìn tôi. Nghe mọi người đồn tôi bị thương nên mẹ rất lo. Bà vội buông cả rổ rau trên tay, chạy ra ôm chầm lấy tôi, ngắm nhìn tôi xem bị thương ở đâu. Nỗi nhớ mong của người mẹ bấy lâu nay bật thành tiếng khóc:
- Con đã về đây mẹ ơi!
Trong số bạn bè cùng nhập ngũ thì tôi may mắn được trở về nơi mà mình yêu thương nhất. Được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, của quê hương, cảm nhận phút giây hòa bình của đất nước.
Năm 1988, tôi rời quân ngũ, thương tật 71%. Từ ngày về địa phương do sức khỏe không ổn định và phải lo cuộc sống vất vả thời bao cấp, quá vất vả nên lâm thêm bệnh , trải qua nhiều lần phẫu thuật, là hai lần mổ thoát vị đĩa đệm cột sống lưng ở Quân y viện 175 thành phố HCM. Tháng 6/2019 thì thay khớp háng bên phải. Mỗi lần trái gió trở trời vết thương lại nhức nhối. Vẫn là mẹ và vợ lại bên cạnh chăm sóc , an ủi, động viên. Chính sự yêu thương đó giúp tôi chiến thắng bệnh tật.
Ngày 19/9/2019, mẹ tôi đã ra đi mãi mãi (hưởng thọ 101 tuổi) trong sự tiếc thương vô hạn của con cháu và họ hàng, làng xóm. Lặng lẽ bên mộ của người, tôi nấc lên, dặn lòng luôn mang ơn người mẹ không sinh mình nhưng cả đời đã lo lắng và nuôi dạy chúng tôi nên người như ngày hôm nay.
(Viết theo lời kể của một CCB)
Tháng 12/2022
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/me-toi-a16918.html