Mẫu Hậu Từ Dũ đàm luận với Vua

Đầu thế kỷ 18, tại làng Đông Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có ông Phạm Phú Thứ, là người có học thức uyên thâm. Năm Nhâm Dần (1842), tại kỳ thi Hương ông đỗ Giải Nguyên. Sau đó, đỗ Hội Nguyên đệ tam giáo đồng tiến sĩ, được bổ làm Tri Phủ Lạng Giang. Ông được triều đình vời về kinh giữ các chức vụ quan trọng như: Thượng Thư bộ Hộ; Tổng đốc Hải An sung chức Thương Chính Đại Thần; Tham tri Bộ

Đầu thế kỷ 18, tại làng Đông Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có ông Phạm Phú Thứ, là người có học thức uyên thâm. Năm Nhâm Dần (1842), tại kỳ thi Hương ông đỗ Giải Nguyên. Sau đó, đỗ Hội Nguyên đệ tam giáo đồng tiến sĩ, được bổ làm Tri Phủ Lạng Giang. Ông được triều đình vời về kinh giữ các chức vụ quan trọng như: Thượng Thư bộ Hộ; Tổng đốc Hải An sung chức Thương Chính Đại Thần; Tham tri Bộ Binh.

Đặc biệt năm Nhâm Tuất (1863), ông được giao trọng trách là Phó Sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để đòi lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Trở về nước, ông làm sớ dâng lên vua Tự Đức cùng một số tư liệu và những ý kiến quan trọng sau chuyến đi. Ông kiến nghị triều đình cần có chính sách mới và một số sách khoa học thực nghiệm, thơ, văn mà ông tiếp nhận được.

Thấy Tự Đức ngay từ khi lên ngôi đã có hiện tượng trễ nải việc triều chính, ông đã dâng sớ khuyên can. Tự Đức nổi giận, ra lệnh cho Đình Thần nghị tội, khiến ông bị phế truất làm lính đi cày.

Chuyện xảy ra, rồi một hôm, Mẫu Hậu-bà Từ Dũ đã có cuộc đàm luận với con:

Bà nói: Ông Phạm Phú Thứ dâng sớ, mong con sửa cái tính lười biếng, ông ta có được lợi gì?

- Dạ! Con biết là ông ấy không được lợi gì, nhưng là bề tôi mà dám chỉ trích vua nặng lời như thế là không được...! Cần phải phạt để làm gương...!

Mẫu Hậu nhẹ nhàng phân giải: Nặng lời bởi vì giận. Giận là do quá thương nên mới quá lời. Quá lời mà đúng thì tốt cho mình, lại chẳng hơn ngọt ngào mà lại hại cho mình thì sao...!

Tự Đức lắng nghe, chưa biết nói sao...?! Mẫu Hậu tiếp lời: Phải về làm lính cày ruộng chắc ông ấy buồn lắm...!

Tự Đức đáp: Dạ, thưa: ông ấy không tỏ ra buồn phiền gì cả. Mỗi khi rảnh việc, ông thường thả thuyền trên sông. Ông còn làm thơ với bút hiệu là Nông Giang.

Bấy giờ Mẫu Hậu tỏ ra vui vẻ, gật gật đầu:

Ông ấy quả là người đáng trọng. Không nghĩ gì đến cương vị, không quan tâm đến chuyện được mất... chỉ biết thực lòng nói rõ những điều trái, lẽ phải với nhà vua... con nên nghĩ lại việc mình đã làm.

Lời chỉ giáo của mẹ như luồng gió mát giúp Tự Đức thức tỉnh, hối hận về việc làm sai trái của mình. Vua Tự Đức đã kịp thời mời ông Phạm Phú Thứ trở lại triều.

Ông được nhà vua trọng dụng, giao nhiều trọng trách khác, trở thành niềm tin của đức Vua.

Đỗ Viết Lăng

(Theo Đại Nam Chính biên liệt truyện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/mau-hau-tu-du-dam-luan-voi-vua-400297