'Mắt vũ trụ' hiếm gặp chiếu thẳng vào Trái Đất

Một hiện tượng hiếm hoi ngoài vũ trụ vừa được kính viễn vọng không gian James Webb ghi lại, hé lộ hình ảnh kỳ ảo trông như con mắt rực cháy của một sinh vật thần thoại đang dõi theo Trái Đất.

Hình ảnh gây ấn tượng mạnh này thực chất là một "vòng Einstein" hiện tượng thiên văn cực kỳ hiếm gặp, được phát hiện và xác nhận bởi nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn học Guillaume Mahler thuộc Đại học Lìege (Bỉ) dẫn đầu. Dữ liệu thu được từ kính James Webb cho thấy ánh sáng từ một thiên hà xoắn ốc xa xôi tương tự như Ngân Hà của chúng ta đã bị bẻ cong trong hành trình đến Trái Đất.

"Mắt vũ trụ" mà các nhà khoa học Bỉ xác định là một thiên hà bị biến dạng khi đi qua vùng không - thời gian cong vênh - Ảnh: NASA/ESA/CSA

"Mắt vũ trụ" mà các nhà khoa học Bỉ xác định là một thiên hà bị biến dạng khi đi qua vùng không - thời gian cong vênh - Ảnh: NASA/ESA/CSA

Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở một vật thể khổng lồ thuộc cụm thiên hà SMACSJ0028.2-7537, nằm giữa thiên hà xa xôi và Trái Đất. Với lực hấp dẫn cực lớn, vật thể này làm cong không-thời gian xung quanh nó, tạo ra hiện tượng gọi là "thấu kính hấp dẫn".

Thấu kính hấp dẫn hoạt động như một chiếc kính lúp vũ trụ, phóng đại và đôi khi làm biến dạng ánh sáng từ các vật thể ở phía sau. Trong trường hợp đặc biệt hiếm gặp này, ánh sáng bị bẻ cong theo cách hoàn hảo, tạo thành một vòng tròn gần như hoàn chỉnh chính là "vòng Einstein" trứ danh. Sự xuất hiện rõ nét của vòng tròn này chỉ xảy ra khi Trái Đất, thấu kính hấp dẫn và thiên hà hậu cảnh xếp thẳng hàng tuyệt đối.

Trong ảnh màu đã được hiệu chỉnh để người xem dễ quan sát, vòng Einstein hiện lên như con ngươi sáng rực của một "mắt vũ trụ", đem lại cảm giác như vũ trụ đang nhìn lại chúng ta. Bao quanh vòng là những vệt sáng cong vẹo phần ánh sáng bị biến dạng còn sót lại làm tăng thêm vẻ huyền bí cho cảnh tượng.

Dù có thể xuất hiện dưới dạng vòng tròn hoàn chỉnh hoặc chỉ là một phần vòng, những vòng Einstein luôn là "cửa sổ may mắn" cho các nhà thiên văn học. Chúng không chỉ cho phép quan sát những thiên hà quá xa để nhìn thấy bằng các kính thông thường, mà còn giúp giới khoa học hiểu sâu hơn về bản chất và cấu trúc của chính thấu kính hấp dẫn đã tạo nên hiện tượng kỳ thú đó.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-mat-vu-tru-hiem-gap-chieu-thang-vao-trai-dat/20250509104959585