Mặt trận lắng nghe nhân dân nói

Tại TPHCM, cử tri trên toàn quận 7 được họp trực tuyến giúp giảm tình trạng phải tập trung đông người, đồng thời có nhiều người tham gia góp ý kiến. Hay người dân huyện Nhà Bè thường xuyên được nói lên tiếng nói của mình, phản ánh đến cấp chính quyền về những bức xúc thông qua Hội nghị 'Mặt trận lắng nghe nhân dân nói' là những mô hình tiêu biểu để người dân thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ từ cơ sở.

Hội nghị “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói” tại huyện Nhà Bè.

Hội nghị “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói” tại huyện Nhà Bè.

Tất cả các phường được họp trực tuyến

Tháng 6/2020, thời điểm dịch Covid-9 chưa bùng phát mạnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận 7 triển khai xây sáng kiến họp theo hình thức trực tuyến trên toàn quận. Hình thức này giúp cử tri trên địa bàn góp ý kiến nghị đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TPHCM và tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Dũng Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 7 cho biết, MTTQ quận phối hợp với các cơ quan mở rộng đường truyền trực tuyến tại Hội trường Trung tâm Chính trị và Trung tâm Hành chính quận, đồng thời kết nối điểm cầu 10 phường (mỗi điểm cầu phục vụ từ 100-150 đại biểu).

Ông Hùng đánh giá, cách làm này vừa phù hợp cho việc thu hút nhiều cử tri tham gia cùng lúc, vừa kịp thời trả lời, giải thích các kiến nghị của cử tri mà không phải chờ đợi quá trình giải quyết, phản hồi sau cuộc gặp.

Thông qua hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến, đã góp phần để đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố kịp thời nắm được những góp ý, kiến nghị của cử tri, để phối hợp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng của Trung ương, thành phố và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết, tạo được sự gần gũi, mật thiết giữa người dân với đại biểu dân cử.

Qua 6 lần tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến của Tổ đại biểu Quốc hội khóa XV và Tổ đại biểu HĐND TPHCM (nhiệm kỳ 2021 - 2026), đã có gần 5 nghìn lượt cử tri tham gia và có 49 lượt cử tri phát biểu tại các lượt tổ chức hội nghị; gần 3 nghìn lượt góp ý, đề xuất và kiến nghị của cử tri với Tổ đại biểu Quốc hội khóa XV và Tổ đại biểu HĐND thành phố (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Ông Trần Mạnh Dũng - cử tri phường Tân Phong, quận 7 cho rằng, với lợi thế là quận có đông dân cư, lại có các khu đô thị hiện đại nên việc tích hợp và sử dụng công nghệ cho việc họp trực tuyến là không quá khó. Mặt trận đã phối hợp với các cơ quan liên quan quyết tâm phối hợp triển khai giải pháp này. Giải pháp này tiết kiệm được thời gian của cử tri, không phải tập trung đông người, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra.

“Việc sử dụng công nghệ để phổ biến chủ đề họp trước đến các cử tri, giúp cho cuộc họp đi vào trọng tâm, rút ngắn được thời gian, đồng thời cử tri cũng có thời gian để chuẩn bị câu hỏi của mình. Vì thế nhiều việc trong chủ đề được giải quyết, được cử tri và nhân dân địa phương nhiệt tình ủng hộ” - ông Dũng nói.

Truyền tải được nguyện vọng của dân

Ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè cho biết, xuất phát từ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, năm 2017, MTTQ huyện triển khai giải pháp “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”.

Ông Hòa đánh giá, thông qua hội nghị đã tạo được cơ chế tiếp xúc, đối thoại, Mặt trận đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền; kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè, qua những đợt tiếp xúc cử tri, mỗi xã, thị trấn đều chọn một chủ đề để phổ biến. Đây là kênh rất quan trọng để người dân phản ánh kịp thời những bức xúc, nguyện vọng đến lãnh đạo các cấp nhằm sớm đưa ra giải pháp giải quyết. “Đối với Mặt trận cấp huyện và xã, thông qua hội nghị cũng kịp thời nắm bắt được tâm tư của người dân để có cách tiếp cận giải quyết, hoặc kiến nghị giải quyết phù hợp, từ đó cũng tạo ra mục tiêu, định hướng kế hoạch hoạt động của Mặt trận cho sát với tính hình thực tế” - ông Hòa nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 5, thị trấn Nhà Bè chia sẻ, các cuộc họp do Mặt trận triển khai lắng nghe, được người dân hưởng ứng cao. Theo đó, người dân không chỉ được nêu những vấn đề tại các hội nghị tiếp xúc cử tri mà còn được thường xuyên góp ý kiến tại các cuộc họp ở khu phố vào sáng thứ 2 hàng tuần, trong cuộc họp có đủ đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ, Công an, các tổ chức đoàn thể. Những vấn đề nào chưa được giải đáp hoặc xử lý kịp thời tại các cuộc tiếp xúc sẽ được tập hợp bằng văn bản gửi lên cấp trên, sau đó sẽ mời đại diện người dân lên giải quyết.

“Nhờ cách làm bài bản, thường xuyên, quyết liệt mà những công trình hạ tầng của địa phương bị hư hại sớm được sửa sang, nâng cấp; những bức xúc của cá nhân, sớm được tháo gỡ, giải đáp. Vì vậy cách làm này được người dân hết sức ủng hộ, làm theo” - bà Dung nói.

Thống kê của Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè (TPHCM), qua 6 năm thực hiện Hội nghị “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói” trong hệ thống Mặt trận, huyện đã tổ chức 18 hội nghị tại các xã, thị trấn, với gần 900 người tham dự, có 92 người phát biểu ý kiến với 153 nội dung là những giải pháp, cách làm để hoạt động công tác Mặt trận ngày càng hiệu quả hơn.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran-lang-nghe-nhan-dan-noi-5719262.html