Mặt trái của bóng đá Trung Quốc

Nhiều đội bóng Trung Quốc bị giải thể hoặc ngừng hoạt động do thâm hụt tài chính và nợ lương cầu thủ.

Theo Sina, trong 10 năm qua, 45 câu lạc bộ đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc, trong đó, nhiều nhất vào năm 2020 với 16 đội. CLB Giang Tô (Jiangsu) là thành viên mới nhất gia nhập danh sách này.

Đương kim vô địch Chinese Super League trải qua 3 tháng đầy khó khăn, trước khi Tập đoàn Tô Ninh (Suning) quyết định dừng đầu tư vào bóng đá. Đội bóng đối diện khoản nợ lên tới 77,3 triệu USD và tuyên bố ngừng mọi hoạt động bóng đá của các tuyến vào chiều 28/2.

Giang Tô ngừng hoạt động sau 5 năm lên chơi Chinese Super League. Ảnh: Sina.

Những năm qua, Trung Quốc được coi là mảnh đất màu mỡ của các ngôi sao bóng đá thế giới trong những năm cuối sự nghiệp. Các câu lạc bộ vung tiền để chiêu mộ những cầu thủ và huấn luyện viên tên tuổi.

Sự bạo chi của ông chủ các đội bóng giúp Chinese Super League trở thành một trong những giải đáng xem nhất châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái.

Mức lương cao ngất ngưởng của các cầu thủ trở thành bài toán lớn trong chi phí hoạt động của câu lạc bộ, cộng với việc các khoản thu về nhỏ giọt, tạo ra sự chênh lệch lớn trong vấn đề thu chi.

Sina cho biết thu nhập bình quân của các các đội tại Super League năm 2018 là 106,1 triệu USD, chi tiêu bình quân là 174,2 triệu USD và mức lỗ trung bình là 68 triệu USD.

Việc mang về những ngôi sao không giúp các cầu thủ nội học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm. Thành tích đội tuyển quốc gia Trung Quốc cũng sa sút nghiêm trọng.

Chính vì sự kém bền vững trong cách đầu tư này, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc phải đưa ra hàng loạt biện pháp giới hạn lương của cầu thủ trong những năm gần đây và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cầu thủ. Tuy nhiên, bóng đá Trung Quốc khó có thể hồi phục nhanh chóng.

Năm 2020, có tới 16 CLB chuyên nghiệp rút khỏi bóng đá Trung Quốc, trong đó có những đội bóng giàu truyền thống như Liêu Ninh (Liaoning).

Ngay trước khi bước vào mùa giải 2020, 14 đội bóng Trung Quốc đã chủ động tuyên bố rút khỏi các giải đấu chuyên nghiệp vì vấn đề tiền lương chưa được giải quyết. Trong danh sách này, có 1 CLB thuộc Chinese Super League, 4 đội thuộc giải hạng Nhất và 9 đội thi đấu ở hạng Nhì.

Theo Sina, việc đương kim vô địch Trung Quốc tuyên bố dừng hoạt động chỉ là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng của bóng đá nước này. Nhiều đội bóng khác sẽ lâm vào tình cảnh tương tự trong tương lai gần.

Thiên Tân (Tianjin) đang là đội bóng có nguy cơ giải thể tiếp theo vì khoản nợ 15,5 triệu USD.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-trai-cua-bong-da-trung-quoc-post1188498.html