'Mắt long lanh' của chó nhà không phải do tiến hóa

Phát hiện mới khẳng định 'đôi mắt chó con' to và gợi lòng trắc ẩn không chỉ tiến hóa ở những con chó được thuần hóa để thu hút con người như các nhà khoa học đã nghĩ trước đây.

Một chú chó hoang châu Phi trong khu bảo tồn động vật hoang dã tại tỉnh Gauteng của Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Một chú chó hoang châu Phi trong khu bảo tồn động vật hoang dã tại tỉnh Gauteng của Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại châu Phi đưa tin một nghiên cứu công bố mới đây làm sáng tỏ hơn về quá trình tiến hóa của loài chó đã xua tan niềm tin rằng đôi mắt long lanh và đầy cảm xúc của chó con là sản phẩm của quá trình thuần hóa.

Nghiên cứu này cũng đã bác bỏ một nghiên cứu trước đó vào năm 2019 đưa ra giả thuyết rằng loài chó đã tiến hóa khuôn mặt có tính biểu cảm cao do có lịch sử lâu dài sống cùng con người.

Phát hiện mới, mang tên “Sự thích nghi với tính xã hội ở cơ biểu hiện gương mặt và tai của chó hoang châu Phi” đăng trên Tạp chí The Anatomical Record, khẳng định “đôi mắt chó con” to và gợi lòng trắc ẩn không chỉ tiến hóa ở những con chó được thuần hóa để thu hút con người như các nhà khoa học đã nghĩ trước đây.

Thay vào đó, nghiên cứu cho thấy các loài khác trong họ chó cũng có khả năng tạo ra đôi mắt buồn bã như những chú chó nhà.

Các tài liệu nghiên cứu trước đây được xuất bản vào năm 2019 và năm 2022 đã đưa ra giả thuyết rằng chó phát triển các cơ mới quanh mắt đặc biệt vì điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp hiệu quả hơn với con người.

Nhưng một nghiên cứu mới đã bác bỏ lý thuyết này, phát hiện ra rằng các loài chó khác có khả năng thích nghi cơ bắp tương tự, cho phép chúng có những biểu hiện trông buồn bã.

 Một chú chó hoang châu Phi cảnh giác bảo vệ đàn trong khu bảo tồn động vật hoang dã tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Một chú chó hoang châu Phi cảnh giác bảo vệ đàn trong khu bảo tồn động vật hoang dã tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)

Nghiên cứu trước đây đã so sánh cơ mặt của chó nhà với cơ mặt của chó sói (Canis lupus) để phát hiện ra rằng chó phát triển các cơ chuyên biệt quanh mắt để tạo ra nhiều biểu cảm trên khuôn mặt hơn.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng những cơ này có thể đã phát triển khi chó bắt đầu sống gần gũi hơn với con người để chúng có thể bắt chước nét mặt của chúng ta như một cách khuyến khích chúng ta chăm sóc chúng.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học lại mổ xẻ một mẫu vật chó hoang châu Phi (Lycaon pictus) đã chết do một vườn thú tặng và phát hiện ra rằng con vật này cũng có cơ “mắt chó con” giống nhau.

Những cơ mặt này không chỉ có ở chó hoang mà còn được chứng minh là phát triển tương đương với những cơ được thấy ở những người anh em họ đã được thuần hóa của chúng.

Ngoài ra, một số cơ mặt ở chó hoang châu Phi dường như hỗ trợ việc điều khiển khéo léo đôi tai mềm mại vung vẩy, to đặc trưng của nó.

Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu: “Hình thái này cho thấy các biểu hiện trên khuôn mặt bằng mắt góp phần vào sự giao tiếp trong đàn ở chó hoang và không phải chỉ có ở chó nhà.”

Tác giả chính của nghiên cứu Heather Smith từ Đại học Midwestern (Illinois, Mỹ) cho biết: “Chó hoang châu Phi có cơ mặt phát triển tốt giống như biểu hiện "mắt cún con" ở chó nhà!”

Các nhà nghiên cứu tin rằng những cơ mắt này phát triển để giúp chó hoang châu Phi phối hợp và giao tiếp khi chúng săn mồi trên thảo nguyên rộng mở.

Giống như chó sói và những người anh em họ trong nhà của chúng, chó hoang châu Phi có tính xã hội cao, sống theo nhóm khoảng 5-9 cá thể.

Khuôn mặt biểu cảm cao của chúng có thể cho phép chúng tạo ra các tín hiệu hình ảnh im lặng trên mặt phẳng cỏ.

Trong tương lai, Smith và nhóm của cô hy vọng có thể kiểm tra giải phẫu khuôn mặt của các loài chó hoang dã khác, chẳng hạn như cáo, chó sói và chó hoang châu Á, để xem cơ mắt chó con của chúng phát triển tốt như thế nào.

Điều này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về cách các loài này giao tiếp và săn mồi, đồng thời giúp các nhà nghiên cứu xác định liệu đặc điểm này có tồn tại ở những loài vừa có tính xã hội vừa có định hướng thị giác hay không.

Adam Hartstone-Rose, một nhà hình thái học so sánh tại Đại học bang North Carolina, người không tham gia vào nghiên cứu mới nhận xét: “Nghiên cứu này khẳng định rằng không chỉ [chó hoang] có tính xã hội cao mà rất nhiều tín hiệu xã hội đó có thể liên quan đến tín hiệu thị giác.”

Theo ông Hartstone-Rose, mặc dù cũng sống trong các nhóm xã hội gắn bó chặt chẽ, cơ mặt của sói có lẽ không tiến hóa để trở nên khỏe mạnh như chó nhà và chó hoang châu Phi vì chúng ít dựa vào giao tiếp bằng hình ảnh.

Sói săn mồi ở nhiều cảnh quan khác nhau, kể cả trong rừng rậm và núi non, nơi mỗi cá thể có nhiều khả năng bị đá hoặc cây che khuất khi truy đuổi con mồi. Kết quả là, chúng có thể đã tiến hóa để phối hợp bằng cách sử dụng những âm thanh hoặc tín hiệu mùi hương phức tạp hơn thay vì tín hiệu thị giác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mat-long-lanh-cua-cho-nha-khong-phai-do-tien-hoa-post955163.vnp