Mất an toàn giao thông: Nguy cơ từ hạ tầng đường bộ

Dù thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, nhưng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây mất an toàn giao thông (ATGT).Hiện nay, trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 30, tuyến tránh TX. Cai Lậy, đường cao tốc và đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương còn tồn động nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Nhiều đoạn, tuyến đường xuống cấp hoặc đang thi công, sửa chữa cầu, mặt đường, hệ thống thoát nước, hệ thống ATGT khiến việc lưu thông của người dân gặp khó khăn.

Cầu Bà Lâm đang thi công khiến mặt cầu khá hẹp.

Cầu Bà Lâm đang thi công khiến mặt cầu khá hẹp.

Cụ thể, tuyến tránh TX. Cai Lậy do Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang quản lý đã không duy tu, bảo trì thường xuyên; thiếu biển báo hiệu trên đầu dải phân cách, sơn vạch kẻ đường, biển báo vị trí người đi bộ sang đường; nhiều điểm, đoạn bị đọng nước, ổ gà, ổ voi.

Còn đối với đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, nhiều nơi sụt lún, đùn nhựa, xuất hiện ổ gà, chưa kể tình trạng thường xuyên đọng nước lề đường đoạn từ cầu Chợ Bưng đến vòng xoay Thân Cửu Nghĩa khiến người và phương tiện gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 73 km tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang đến nay chỉ mới đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng khoảng 42 km, cần 71,3 tỷ đồng để đầu tư đèn chiếu sáng cho 31 km còn lại nên không đảm bảo điều kiện về ATGT về đêm. Đặc biệt, Quốc lộ 30 là điểm nóng về tai nạn giao thông (TNGT) về đêm vì không có hệ thống chiếu sáng.

Theo khảo sát, chỉ trong 11 tháng năm 2021, trên Quốc lộ 30 đã xảy ra 11 vụ, 6 người chết, 13 người bị thương. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ TNGT cao là sự phân chia làn đường trên các quốc lộ, phần làn đường hỗn hợp cho phép các loại xe ô tô tải, xe mô tô lưu thông hỗn hợp rất dễ xảy ra va chạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết, việc lắp đặt các thiết bị, điều kiện đảm bảo ATGT (đèn chiếu sáng, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ, sơn vạch người đi bộ qua đường, sơn gờ giảm tốc...) được đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý đường bộ IV.3 và các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đề xuất và yêu cầu đơn vị quản lý bảo trì tuyến bổ sung nhằm đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập chưa thể giải quyết triệt để.

Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ, thời gian qua, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và tỉnh, huyện, thành phố, thị xã trong công tác giải tỏa hành lang ATGT không được duy trì thường xuyên, chưa kiên quyết xử lý ngay từ khi lần đầu vi phạm. Việc quản lý hành lang ATGT sau giải tỏa của chính quyền địa phương cũng chưa được chú trọng, nhiều trường hợp đã giải tỏa lại tái lấn chiếm nhiều lần.

Tình trạng người dân nâng nền bằng bê tông xi măng, khi trời mưa khiến mặt đường thường xuyên ứ đọng nước do không có lối thoát (tại những điểm, đoạn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước), làm bong tróc nhựa, hư hỏng mặt đường gây mất ATGT.

“Bên cạnh đó, vai trò của các đơn vị chức năng có thẩm quyền trong quản lý, bảo trì nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông chậm xem xét khắc phục, sửa chữa kịp thời các điểm nguy cơ mất ATGT, chậm khắc phục bổ sung các điều kiện đảm bảo ATGT; đặc biệt là trên Quốc lộ 1 và tuyến tránh TX. Cai Lậy; khắc phục từng giai đoạn, thời kỳ hoặc không thực hiện vì một số nguyên nhân khách quan nên mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT” - đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm.

HOÀNG LONG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202112/mat-an-toan-giao-thong-nguy-co-tu-ha-tang-duong-bo-940091/