'Mạnh tay' với nhà cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet không có pháp nhân tại Việt Nam
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet (OTT) xuyên biên giới như Netflix, WeTV, iQiYi,… sẽ bị chặn truy cập nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam.Nếu thời gian tới các nhà cung cấp nói trên vẫn hoạt động không phép và không tuân thủ quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước có thể chiếu theo Nghị định 71 và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản,… để xử phạt, chặn truy cập.Tăng quyền và trách nhiệm của người sử dụng
Ngày 27-2, Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức hội thảo phổ biến chính sách pháp luật mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại TPHCM. Hội thảo tập trung vào Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, với những điều chỉnh về quy định doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Theo chính sách mới của Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) lưu ý việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu thì phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước.
Để được cấp giấy phép thì doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Pháp nhân có tỷ lệ vốn nước ngoài như thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quá trình hình thành hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Lý giải thêm quy định mới này, ông Yên cho rằng, về cơ bản các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ OTT ở Việt Nam thì sẽ giống như các doanh nghiệp trong nước, xét về việc chịu trách nhiệm trước các quy định pháp luật hiện hành.
“Quy định trên nhằm tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền”, ông Yên nói, và lưu ý: “Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ TT& TT sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập”.
Tại hội thảo, ông Yên cho biết, hiện nay Việt Nam có 5 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet xuyên biên giới. Trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ và ba dịch vụ từ Trung Quốc. Và các nhà cung cấp này đã được Bộ TT&TT cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục để kinh doanh theo đúng tôn chỉ pháp luật trong nước.
Đại diện cơ quan chức năng không tiết lộ tên của 5 nhà cung cấp dịch vụ nêu trên. Tuy nhiên, qua dữ liệu thống kê thực tế, một số nền tảng OTT nước ngoài đang có lượng người sử dụng khá lớn tại Việt Nam hiện nay là Netflix (Mỹ), IQIYI và WeTV (Trung Quốc), iFlix (Malaysia),…
Chiếu theo quy định mới trong Nghị định 71, các nền tảng này sẽ phải có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Tuần trước, theo Reuters đưa tin, Netflix sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, dự kiến khai trương vào cuối 2023.
Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, theo ông Yên, cơ quan quản lý sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn các doanh nghiệp kinh doanh không phép cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam.
Tại hội thảo, một số ý kiến của các nhà cung cấp dịch vụ này trong nước cũng lưu ý dịch vụ OTT nếu không được quản lý sẽ có nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật… Cụ thể như nhiều phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt nhưng vẫn được Netflix phát sóng.
Đại diện VNPAYTV cũng đề xuất cần chế tài quản lý trên cả thiết bị phần cứng và ứng dụng. Bởi lẽ nhiều nhà sản xuất tivi bán ra tại Việt Nam đã tích hợp sẵn Netflix trong hệ điều hành, chỉ cần một nút bấm trên điều khiển là có thể sử dụng dịch vụ. Về lâu dài, đây là rủi ro tiềm ẩn cho các kênh truyền hình chính thống trong nước.
Cả nước hiện đang có 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới.
Nghị định 71 với nhiều điểm mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ truyền hình, phát thanh như: cho phép dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet (OTT TV) được cung cấp đến người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống; về quản lý biên tập nội dung theo yêu cầu (VOD) thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ OTT TV VOD, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp.
Hiện nay, hoạt động liên kết sản xuất chương trình chủ yếu tập trung ở các đài truyền hình, phát thanh lớn với hình thức liên kết sản xuất theo chương trình và liên kết sản xuất toàn bộ kênh. Qua đó, giúp các đài có thêm chương trình, nội dung đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả và có thêm nguồn thu.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này cũng còn những hạn chế như thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, nội dung, biểu tượng kênh; để lọt nội dung nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam…
Vì thế, Nghị định 71 cũng bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình trong thực hiện liên kết sản xuất chương trình, đảm bảo các chương trình liên kết được biên tập, phân loại trước khi phát sóng hoặc cung cấp đến các nền tảng truyền thông số khác.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Chính sách mới cũng phân định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. “Chúng ta chuyển dần quan điểm quản lý từ việc hạn chế, cấm cản sang cảnh báo để người sử dụng dịch vụ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có những nội dung, hành vi vẫn phải cấm như nội dung nhạy cảm chính trị, sai quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử…”
Từ quan điểm quản lý này, bản thân người sử dụng dịch vụ cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ mình và người thân khi lựa chọn, sử dụng các dịch vụ phát thanh, truyền hình.