Mang 'thanh âm đại ngàn' về Đường sách TPHCM

Ngày 10-9, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk phối hợp với Đường sách TPHCM tổ chức chương trình 'Thanh âm đại ngàn' với mong muốn lan tỏa những nét đặc sắc, phong phú của đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc Đắk Lắk thông qua tác phẩm VHNT.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, điều này làm nên sự đa dạng và nhiều màu sắc cho nền văn hóa nơi đây. Đắk Lắk cũng là vùng đất của lễ hội và nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… Các lễ hội đặc sắc nơi đây như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi…

Nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú. Đặc biệt “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM thực hiện nghi thức uống rượu cần giao lưu tại chương trình

Thực tiễn đời sống ấy đem lại sinh khí vô tận, là chất liệu dồi dào, đa dạng và phong phú cho văn nghệ sĩ nơi đây. Kho tàng văn hóa ở vùng đất Tây Nguyên với các trường ca, sử thi đồ sộ đã khẳng định sức sống bền vững cùng thời gian. Đó cũng là tiền đề để VHNT ở vùng đất này có những thành tựu đáng kể.

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài (phải) và nghệ sĩ Dương Thanh Nga trình diễn trích đoạn “Trường ca M’nông”

Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã để lại dấu ấn sâu sắc trên diễn đàn VHNT như: Linh Nga Niê Kdăm, Hữu Chỉnh, Đặng Bá Tiến, Lê Vĩnh Tài, Nguyên Hương,…; các nhạc sĩ như: Kpă Púi, Ama Nô, NSND Y Sanh Liaô, NSUT Y Phôn Ksor; các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như: NSƯT Vũ Lân, Nguyễn An Sơn, Buôn Krông Tuyết Nhung, Lương Thanh Sơn…

Người mẫu H' Ăng Niê, đại sứ truyền thông, chia sẻ tại chương trình

Bên cạnh đó, hàng trăm tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh sáng tác về con người các dân tộc thiểu số như Ê đê, Mơ Nông, K’ho, Xê Đăng, Tày, Nùng, Mông với sức sống mãnh liệt, màu sắc đa dạng đã đạt được rất nhiều huy chương trong và ngoài nước. Sắc thái đặc trưng của dân tộc bản địa như Ê đê, M’Nông và sắc màu đa dạng của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất này được thể hiện phong phú và rõ nét trong các tác phẩm của họa sĩ gạo cội như Lê Vấn, Trần Thanh Long, Trương Văn Linh, Ngô Tiến Sỹ…; các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Đào Thọ, Nguyễn Huỳnh, Bảo Hưng, Hương Vượng, Trần Thị Mùi,…

100 bức ảnh nghệ thuật về con người, văn hóa và vùng đất Tây Nguyên hiện đang được trưng bày tại Đường sách TPHCM

Phát biểu tại chương trình, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, cho biết, Đắk Lắk là vùng đất của văn hóa, của sử thi và vùng đất của âm nhạc. Chương trình “Thanh âm đại ngàn” là cơ hội để chúng tôi được chia sẻ và lan tỏa rộng hơn với công chúng và văn nghệ sĩ trong cả nước những niềm vui mà chúng tôi đang có trong lĩnh vực VHNT.

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk phát biểu tại chương trình

“Qua một thời gian bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Covid-19, và đặc biệt có nhiều khó khăn trong đời sống cũng như trong hoạt động nghệ thuật. Đến năm nay, chúng tôi mạnh dạn liên hệ và được sự ủng hộ của Đường sách TPHCM, Hội Nhiếp ảnh TPHCM và Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, có mặt tại Đường sách TPHCM với một mong muốn nhỏ bé là giới thiệu về VHNT Đắk Lắk ở các chuyên ngành, giới thiệu các tác giả, tác phẩm”, nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ.

Ngoài giới thiệu những thành tựu về VHNT, chương trình "Thanh âm đại ngàn" còn trao tặng 23 suất học bổng cho sinh viên Đắk Lắk, Gia Lai hiện đang học tập tại TPHCM

Dịp này, Ban Tổ chức chương trình “Thanh âm đại ngàn” đã trao tặng 23 suất học bổng, trị giá mỗi suất là 1 triệu đồng cho các sinh viên Đắk Lắk, Gia Lai hiện đang theo học tại các trường đại học ở TPHCM.

Ngoài giao lưu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Đắk Lắk, chương trình “Thanh âm đại ngàn” còn trưng bày 100 bức ảnh nghệ thuật sáng tác về con người, văn hóa và vùng đất Tây Nguyên, Đắk Lắk (gồm 50 bức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội VHNT Đắk Lắk, 50 bức của NSNA Hội Nhiếp ảnh TPHCM); tranh của các họa sĩ Đắk Lắk; Trưng bày chữ thư pháp và tặng chữ; Giới thiệu nặn tò he dấu ấn Tây Nguyên… Hoạt động trưng bày kéo dài đến hết ngày 12-9 tại Đường sách TPHCM.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mang-thanh-am-dai-ngan-ve-duong-sach-tphcm-post705034.html