Mạng blockchain 'Make in Vietnam' góp phần phát triển nền kinh tế số

Việc làm chủ hoàn toàn về công nghệ và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực blockchain không chỉ giúp Việt Nam chủ động ứng dụng công nghệ vào tiến trình phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tương lai số mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ra mắt mạng blockchain Việt Nam. (Ảnh: PV)

Ra mắt mạng blockchain Việt Nam. (Ảnh: PV)

Ngày 6/5, tại Hà Nội, công ty 1Matrix, hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chính thức ra mắt.

Thúc đẩy quá trình đưa Việt Nam làm chủ công nghệ blockchain

Sự kiện này đánh dấu cho mạng blockchain “Make in Vietnam” và sứ mệnh làm chủ công nghệ hạ tầng chiến lược, góp phần đưa Việt Nam làm chủ công nghệ blockchain, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên công nghệ số.

Việc làm chủ hoàn toàn về công nghệ và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực blockchain không chỉ giúp Việt Nam chủ động ứng dụng công nghệ vào tiến trình phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tương lai số mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty 1Matrix, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty 1Matrix, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Không chỉ là một công nghệ, mạng blockchain “Make in Vietnam” sẽ là hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán DLT (một hệ thống lưu trữ dữ liệu phi tập trung, trong đó, các thông tin cũng như bản ghi được phân phối trên nhiều máy chủ hoặc nút mạng khác nhau) cho kinh tế số Việt Nam.

"Chúng tôi đặt mục tiêu kiến tạo nền móng công nghệ gốc - công nghệ lõi - từ các thuật toán đồng thuận, cơ chế dữ liệu, bảo mật mạng lưới, cho tới trải nghiệm người dùng dựa trên kế thừa các công nghệ blockchain đã đi trước. Đây sẽ là mạng dịch vụ blockchain đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn kết nối liên thông quốc tế”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.

Trước đó, theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, blockchain được xác định là một trong những công nghệ chiến lược và việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên trọng tâm.

Còn tại Chiến lược Blockchain Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024, mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain.

Trong Chiến lược này, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các doanh nghiệp phát triển các nền tảng chuỗi khối “Make in Vietnam” xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên hạ tầng blockchain Việt Nam và tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ bày tỏ: “Để Việt Nam thực sự ghi danh trên bản đồ công nghệ số toàn cầu, chúng ta cần nhiều hơn những con người đổi mới sáng tạo, cần những doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm thật như 1Matrix, và cần một hệ sinh thái công nghệ có chiều sâu, có bản sắc. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt là sự lan tỏa từ các sáng kiến như VietChain Talents, chúng ta sẽ từng bước xây dựng một hệ sinh thái blockchain vững mạnh, một hạ tầng số an toàn, minh bạch, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì một Việt Nam tự cường trong kỷ nguyên số”.

Để Việt Nam thực sự ghi danh trên bản đồ công nghệ số toàn cầu, chúng ta cần nhiều hơn những con người đổi mới sáng tạo, cần những doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm thật như 1Matrix, và cần một hệ sinh thái công nghệ có chiều sâu, có bản sắc. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt là sự lan tỏa từ các sáng kiến như VietChain Talents, chúng ta sẽ từng bước xây dựng một hệ sinh thái blockchain vững mạnh, một hạ tầng số an toàn, minh bạch, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì một Việt Nam tự cường trong kỷ nguyên số.

Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ

Xây dựng hạ tầng blockchain quốc gia, khởi đầu từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, phát triển và vận hành mạng blockchain “Make in Vietnam, Công ty 1Matrix cũng là đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp blockchain toàn diện cho cho doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ công-tư. Đồng thời, góp phần xây dựng hệ sinh thái và mạng lưới blockchain quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các lĩnh vực công nghệ mới.

Nhằm thực hiện các mục tiêu này, 1Matrix xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ đối với riêng sự phát triển của công ty mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành blockchain Việt Nam. Vì vậy cuộc thi “Tìm kiếm tài năng blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025” nhằm phát hiện, bồi dưỡng và từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ blockchain nước nhà.

Công bố hợp tác chiến lược trong khuôn khổ sự kiện. (Ảnh: PV)

Công bố hợp tác chiến lược trong khuôn khổ sự kiện. (Ảnh: PV)

Từ ý tưởng ban đầu, cuộc thi đã được Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam bảo trợ về chuyên môn và chỉ sau một thời gian ngắn công bố đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ hơn 50 đơn vị, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, cơ sở đào tạo uy tín, cơ quan báo chí.

Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ (đơn vị đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi), thành viên Hội đồng Giám khảo, nhấn mạnh cam kết đồng hành cùng các tài năng không chỉ trong cuộc thi này mà cả trong hành trình dài hạn, thông qua đào tạo và các hình thức hỗ trợ thu hút, trọng dụng nhân tài.

“Tài năng trẻ là nền tảng của quốc gia số. Chúng tôi tin rằng thông qua cuộc thi VietChain Talents 2025, một thế hệ kỹ sư blockchain người Việt sẽ trưởng thành, dám nghĩ, dám làm và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế”, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức cho biết.

Tài năng trẻ là nền tảng của quốc gia số. Chúng tôi tin rằng thông qua cuộc thi VietChain Talents 2025, một thế hệ kỹ sư blockchain người Việt sẽ trưởng thành, dám nghĩ, dám làm và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ

VietChain Talents 2025 có tổng giải thưởng lên tới 3,5 tỷ đồng tiền mặt, tập trung vào 4 chủ đề. Trong đó, Giải nhất chủ đề Blockchain Layer 1 có giá trị 1 tỷ đồng. Giải Nhất của 3 chủ đề còn lại: sàn giao dịch tập trung và phi tập trung, truy vết blockchain, cầu nối blockchain có trị giá 500 triệu đồng/giải.

Đặc biệt, các trường đại học, tổ chức giáo dục có cơ hội nhận 200 triệu đồng/đơn vị khi cử đội thi và đạt giải Nhất ở bất kỳ chủ đề nào.

Các tiêu chí đánh giá bao gồm mức độ tự đánh giá của các nhóm dự thi và cam kết gắn bó thúc đẩy giải pháp trong tương lai.

Cuộc thi VietChain Talents 2025 diễn ra từ ngày 6/5 đến ngày 20/6. Thông tin chi tiết có tại website https://Vietchain.1matrix.com hoặc liên hệ qua email: info@1matrix.com.

Các thí sinh tham dự được đánh giá, bầu chọn bởi Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Chuyên môn uy tín đến từ nhiều cơ quan, đơn vị đầu ngành như Ban Cơ yếu Chính phủ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Công ty 1Matrix, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện Khoa học Kỹ thuật Mật mã và nhiều tập đoàn lớn như Boston Consulting Group, CTCP Công nghệ Sotatek, Tập đoàn Công nghệ CMC, Viettel Cyber Security, AlphaTrue, Tether, Verichains, Nami Foundation, Holdstation, Onus, OKX...

LÊ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mang-blockchain-make-in-vietnam-gop-phan-phat-trien-nen-kinh-te-so-post877630.html