Mâm cơm và lễ vật cúng ông Công ông Táo 2024

Tết ông Công ông Táo là một nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt trải qua bao thế hệ. Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã bảo vệ họ suốt năm vừa qua.

NỘI DUNG

1. Nguồn gốc và ý nghĩa tục lệ cúng ông Công ông Táo

2. Chuẩn bị mâm cơm và lễ vật cúng ông Công ông Táo

3. Cúng Tết ông Công ông Táo cần lưu ý những gì?

1. Nguồn gốc và ý nghĩa tục lệ cúng ông Công ông Táo

Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian. Táo quân có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Nhưng khi du nhập vào nước ta, sự tích này được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" bao gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc - còn gọi chung là ông Công ông Táo.

Theo hệ thống thần thánh của Đạo giáo, mỗi gia đình có một hệ thống thần linh bản gia bao gồm ông Thần tài, ông Thổ Công và ông Táo hay còn gọi là Táo quân. Trong đó, mỗi người cai quản, phụ trách một lĩnh vực, ông Công sẽ cai quản đất đai trong một gia đình, còn ông Táo sẽ cai quản chuyện bếp núc.

Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo không chỉ trông coi, cai quản các hoạt động trong gia đình, nắm bắt được những chuyện tốt xấu trong sinh hoạt của cả gia đình mà còn ngăn cản sự xâm nhập của những "thế lực" xấu làm ảnh hưởng đến tổ ấm, giữ bình yên cho các thành viên trong nhà.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch) hàng năm, ông Công ông Táo sẽ lên dự hội Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ trong năm vừa qua, dân gian hay gọi là lên chầu trời. Sau khi báo cáo xong, các vị này sẽ nhận chỉ thị của Thiên đình và đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình mình cai quản.

Do đó, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình đều sắp mâm lễ cúng ông Công ông Táo với mục đích tiễn đưa Táo quân về chầu trời, nhân tiện cúng gia tiên, nên ngày này còn gọi là "Tết ông Công". Lễ cúng ông Công ông Táo là dịp để mỗi gia đình thờ cúng lên vị thần này, cầu mong sự ấm no, đủ đầy, yên bình trong năm mới. Ngoài ra, hoạt động này còn có ý nghĩa thờ "thần Bếp" tức là người cai quản bếp núc trong gia đình.

2. Chuẩn bị mâm cơm và lễ vật cúng ông Công ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm và đồ lễ thịnh soạn để tiễn ông Táo về trời. Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi địa phương sẽ có những nghi thức cúng ông Công ông Táo khác nhau và cách chuẩn bị mâm cơm cúng khác nhau.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo cơ bản theo phong tục của người Việt thường bao gồm:

Lá sớ ghi đầy đủ tên tuổi các thành viên trong gia đình
3 bộ mũ áo, hia hài Táo quân
Hương (nhang) thơm
Tiền vàng
Nến hoặc đèn dầu
Lọ hoa tươi
Đĩa trái cây
Cau trầu, trà, rượu
Mâm cơm cúng

Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm 2 mũ của hai Táo ông và 1 mũ của Táo bà.

Tùy theo phong tục mỗi địa phương mà chuẩn bị mâm cỗ phù hợp. Khi chuẩn bị mâm cơm cúng, chúng ta có thể chuẩn bị cỗ mặn, cỗ ngọt và cỗ chay tùy gia chủ. Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo tại các vùng miền Bắc, Trung, Nam cũng có những nét riêng biệt. Thông thường, mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo gồm những món sau:

1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
3 chén rượu
1 con gà luộc (để nguyên con hoặc chặt bày đĩa)
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò lụa (hoặc chả quế)
1 đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng)

Ngoài mâm cơm, lễ vật cúng trong ngày ông Công, ông Táo cần phải chuẩn bị cá chép làm đồ lễ. Đây là một nét đặc trưng trong nghi thức cúng Tết ông Công ông Táo của người miền Bắc. Người ta quan niệm rằng cá chép là phương tiện di chuyển của Táo quân về trời. Tùy vào từng địa phương và hoàn cảnh mà có thể sử dụng cá chép sống hoặc cá chép giấy đều được. Khi sử dụng cá chép sống, đặt chậu nước có 1 hoặc 3 con cá chép bên cạnh mâm lễ cúng. Sau khi thực hiện nghi thức cúng xong, người dân sẽ đem cá chép phóng sinh ở ao hồ, sông... với ý nghĩa đưa ông Táo về trời.

Tết Táo quân trong Nam không có tục rút chân nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ.

3. Cúng Tết ông Công ông Táo cần lưu ý những gì?

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông, tục lệ cúng ông Công ông Táo đã có từ lâu đời và vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều người làm vẫn đại khái, thậm chí là còn sai sót.

Không chỉ mang nét đẹp về văn hóa dân gian, việc cúng ông Công ông Táo cũng cần đảm bảo đầy đủ và đúng đắn, nhằm thể hiện sự tôn nghiêm và thành ý của gia chủ. Để chuẩn bị tốt cho nghi lễ cúng ông Công ông Táo, cần lưu ý một vài thông tin dưới đây:

- Chuẩn bị lễ vật chu đáo, đầy đủ, bày vào vật dụng sạch sẽ và để nơi trang nghiêm trong nhà. Không đặt lễ vật, mâm cỗ dưới bếp hoặc đặt dưới nền nhà. Nếu muốn cúng trong bếp thì đặt 1 mâm cúng trong bếp và 1 mâm khác cúng trên ban thờ.

Có thể đặt 1 mâm cỗ cúng trong bếp và 1 mâm trên ban thờ.

- Người cúng đại diện cho gia đình cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, kín đáo và lịch sự. Điều này góp phần thể hiện sự tôn nghiêm của gia chủ đối với các quan thần.

- Chuẩn bị bài khấn và đọc văn khấn to, rõ ràng với thái độ nghiêm túc, thành tâm.

- Bài khấn nên bày tỏ thái độ biết ơn, trân trọng sự bảo vệ của các Táo với gia đình mình trong năm vừa qua. Chỉ xin Táo báo cáo những việc tốt đẹp trong năm, không nên cầu xin tài lộc khi cúng.

- Lễ cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện từ ngày 21 đến trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Không cúng ông Công ông Táo sau 12h ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, theo quan niệm của một số chuyên gia phong thủy, một số gia đình vì nhiều lý do cúng trước, nhưng điều này là không nên vì có cúng xong, chưa đúng ngày các vị cũng chưa thể lên thiên đình được.

- Sau khi thực hiện nghi thức cúng ông Công ông Táo, tiến hành đốt những lễ vật như mũ, áo, hia và vàng mã cùng với bài vị cũ, rồi tiến hành lập bài vị mới. Người ta thường quan niệm đây là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo quân nên các gia đình cũng dọn dẹp sạch trên bàn thờ trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương để chuẩn bị đón năm mới.

- Sau khi các nghi thức đã xong, gia chủ sẽ đem cá chép phóng sinh ở ao hồ, sông... với ý nghĩa đưa ông Táo trở về Thiên đình, việc phóng sinh cá cũng thể hiện tấm lòng thiện lương của gia chủ. Cần chú ý thả cá nên nhẹ nhàng, từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết, không thả cá chép từ trên cao xuống. Sau khi thả cá quan sát xem cá còn sống khỏe và bơi nhanh hay không. Không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống hồ nước.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mam-com-va-le-vat-cung-ong-cong-ong-tao-2024-169240106164303898.htm