Mã số vùng trồng: 'Tấm vé' cho rau, củ xuất ngoại

Việc một số vùng trồng cải bắp và cà rốt của tỉnh được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng (MSVT) giúp xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của thị trường quốc tế.

Hiện Hải Dương là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước được cấp mã số vùng trồng cho cải bắp và cà rốt

Tỉnh đầu tiên và duy nhất

Cuối năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã cấp 20 MSVT cho các vùng trồng rau đủ điều kiện xuất khẩu với tổng diện tích 163 ha. Trong đó, có 13 mã cho vùng cà rốt và 7 mã cho vùng rau cải bắp. Như vậy, ngoài rau gia vị đã được cấp MSVT để xuất khẩu châu Âu thì đến nay Hải Dương là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước được cấp MSVT cho sản phẩm rau, củ. Các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu không chỉ giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn dần nâng cao nhận thức của nông dân về quy trình sản xuất sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Danh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thôn Tiêu Lâm cho biết: "Được cấp MSVT, toàn bộ quy trình sản xuất thay đổi hoàn toàn. Các hộ nông dân tham gia vùng trồng được hỗ trợ thuốc BVTV và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Một phần cải bắp đã được các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu đi thị trường các nước". Hiện xã đã quy hoạch được 2 vùng trồng cải bắp ở thôn La Ngoại và Tiêu Lâm với tổng diện tích 45 ha. Cả 2 vùng này đều được cấp MSVT và đáp ứng tiêu chí xuất khẩu vào thị trường nhiều nước.

Để được cấp MSVT, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 35 vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, lựa chọn các vùng cải bắp ở hai huyện Gia Lộc và Thanh Miện, diện tích tối thiểu 5 ha/vùng và cà rốt ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh có diện tích tối thiểu 10 ha/vùng để cấp MSVT.

Trên thực tế, ngoài rau gia vị bắt buộc phải có MSVT khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì các sản phẩm rau, củ khác chưa đòi hỏi MSVT. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp và quá trình hội nhập diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu thì việc cấp MSVT là cần thiết. Do vậy, tỉnh đã chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tạo thương hiệu nông sản của tỉnh và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của thị trường quốc tế. Riêng cà rốt, với khoảng 1.500 ha, sản lượng ước đạt 65.000 tấn thì có đến 80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước khó tính; sản phẩm cải bắp cũng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Khoảng 80% sản lượng cà rốt được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới

Chưa xứng với tiềm năng

Ngoài cải bắp và cà rốt, Hải Dương đã được Cục BVTV cấp MSVT và cơ sở đóng gói cho 5 loại trái cây tươi là vải, nhãn, chuối, dưa hấu và thanh long. Đến nay, Hải Dương đã có 133 vùng trồng và 55 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Cùng việc được cấp mã số, công tác tuyên truyền, quảng bá được thực hiện tốt nên lần đầu tiên vải thiều Hải Dương đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Giá bán các sản phẩm ở nước ngoài cao hơn nhiều so với giá bán trong nước. Như vậy, lợi ích của việc cấp MSVT đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai cấp MSVT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nông sản dồi dào của tỉnh.

Hải Dương là một trong những vựa rau màu lớn của cả nước, trong đó có nhiều loại nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao. Trình độ thâm canh cao cùng với quy vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm năng suất và chất lượng. Như vậy, so với tiềm năng xuất khẩu nông sản của tỉnh thì việc cấp MSVT cho các loại rau, củ, quả còn thấp. Việc duy trì, quản lý các MSVT và cơ sở đóng gói đang có và cấp mới là điều cần làm. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19.

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Việc được cấp mã số còn giúp bảo đảm nông sản lưu thông thuận lợi, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm ở các vùng trồng khác với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số. Ngoài ra, việc triển khai quản lý MSVT còn là giải pháp giúp ổn định và nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất và hình thành các chuỗi giá trị. MSVT là điều kiện bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu với các mặt hàng nông sản.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/ma-so-vung-trong-tam-ve-cho-rau-cu-xuat-ngoai-196252