Lý do Đức 'keo kiệt' trong viện trợ quân sự cho Ukraine
Chính phủ Đức rõ ràng đã giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine xuống mức tối thiểu trong 9 tuần qua và không cung cấp cho Ukraine bất kỳ vũ khí hạng nhẹ đáng kể nào.
Lý do đằng sau việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz kiên quyết từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh của Đức cho Ukraine là việc cung cấp chỉ được thực hiện với sự phối hợp với các đồng minh NATO.
Trong gần hai tháng qua (từ ngày 30/3 đến 26/5), Đức chỉ chuyển giao hai lô vũ khí cho Ukraine. Cả hai đều chỉ chứa các thiết bị, vũ khí loại nhỏ.
Trong một lô hàng giữa tháng 5, Đức cung cấp cho Ukraine 3.000 quả mìn chống tăng và 1.600 quả mìn định hướng chống tăng đặc biệt. Còn trong một lô khác trước đó, Đức chuyển cho Kiev các linh kiện thay thế cho súng máy, dây dẫn và kíp nổ, máy vô tuyến, lựu đạn cầm tay, chất nổ và mìn.
Ukraine cho biết đợt giao vũ khí phòng không và chống tăng cuối cùng là vào ngày 25/3, bao gồm 2.000 quả đạn cho súng phóng lựu Panzerfaust 3 và 1.500 tên lửa phòng không Strela.
Thực tế, Kiev vẫn cần các loại đạn dược và tên lửa này, cũng như tên lửa phòng không Stinger và vũ khí chống tăng, tên lửa chống hạm Harpoon.
Ukraine cũng đã 2 lần gửi thư đề nghị tới Bộ Quốc phòng Đức trong tháng 4 và tháng 5, song Đức vẫn im lặng dù Thủ tướng Scholz tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Đối với vũ khí hạng nặng, quan điểm của Thủ tướng Scholz là chỉ chuyển giao cho Ukraine với sự phối hợp đồng thời cùng các đối tác NATO.
Bởi lẽ không quốc gia NATO nào cung cấp xe tăng do phương Tây sản xuất cho Ukraine nên đây là lý do để Berlin vẫn từ chối giao xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh cho Kiev.
Cuối tháng 4 vừa qua, chính phủ Đức thông báo sẽ chuyển giao 30 pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, trong đó một nửa sẽ được chuyển giao vào cuối tháng 7 tới - thời điểm nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên hoàn tất đợt tập huấn sử dụng tại Đức.
Trước đó, Đức cũng như một số nước phương Tây đã bắt đầu cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Sholz vẫn nhấn mạnh rằng Berlin cần tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Trong cuộc điện đàm ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macronhai rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine là “nguy hiểm” và cảnh báo “về nguy cơ làm mất ổn định thêm tình hình và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo”.
(theo WaS, AFP)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-duc-keo-kiet-trong-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-185351.html