Lý do công ty bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản
Theo Bộ Tài chính, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực rủi ro cao, việc cấm doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này là để đảm bảo khả năng chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi tại cuộc họp công bố các Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Cụ thể, chia sẻ về các điểm mới của Luật, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có cách tiếp cận mới trong việc quy định lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, trước đây, Luật quy định những lĩnh vực doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư, nhưng trong Luật năm 2022 lại quy định doanh nghiệp không được đầu tư những lĩnh vực gì. “Còn lại doanh nghiệp được chủ động thực hiện”, Thứ trưởng Chi chia sẻ.
Đáng chú ý, trong các lĩnh vực doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư có kinh doanh bất động sản, lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải đây là lĩnh vực rủi ro rất cao nên việc quy định không được tham gia đầu tư là để đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Chi, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm...
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết đây là những phát sinh trong thực tế đã được Bộ Tài chính tính đến mức độ rủi ro.
“Những loại hình này đều được niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, đã được xem xét, đánh giá rủi ro nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể tham gia”, Thứ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm với số dư khoảng 1.000 tỷ đồng sẽ dừng hoạt động.
Thứ trưởng Chi cho biết quỹ này trước đây được thành lập để xử lý trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có rủi ro, không thực hiện được nghĩa vụ tài chính thì dùng quỹ để bù đắp. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Quốc hội đã quyết định không duy trì quỹ và giao Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phương án sử dụng số dư quỹ còn lại.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các phương án sử dụng khác nhau và lấy ý kiến rộng rãi trong doanh nghiệp bảo hiểm, người dân trước khi đề xuất Chính phủ thực hiện.
Với các quy định về quản lý, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có các quy định mới mang tính tăng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật cũng bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.