Lý do bệnh viện càng lớn, chuyên sâu chậm chuyển đổi số

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ ra nghịch lý rằng các bệnh viện càng lớn, càng chuyên sâu thì càng khó và chậm chuyển đổi số y tế.

Bên lề Diễn đàn Y tế Việt Nam 2025với chủ đề Ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, điều trị y khoa được tổ chức ngày 21-22/7, GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), chia sẻ còn nhiều thách thức để ứng dụng hiệu quả dữ liệu lớn, AI cho y tế Việt Nam.

Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy

Giáo sư Song nhận định nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng là thách thức đầu tiên. Thực tế nền tảng băng thông, hệ thống máy chủ chưa thực sự chuẩn hóa. Chúng ta có rất nhiều “xe” là dữ liệu, số liệu, nhưng lại thiếu “đường cao tốc” để xe lưu thông trơn tru. Thứ hai là dữ liệu. Y tế có kho dữ liệu khổng lồ, nhưng đó có phải là dữ liệu “sạch”, “sống”, “chuẩn", thống nhất” và có giá trị hay không?

GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Võ Thu

GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Võ Thu

Theo Giáo sư Song, nền tảng xuất phát y tế từ bệnh án giấy, mỗi bác sĩ, điều dưỡng có cách viết khác nhau, không thống nhất. Khi chuyển sang bệnh án điện tử, đây là một vấn đề lớn. “Đến nay, không phải tất cả bệnh viện đều có bệnh án điện tử đúng nghĩa”, Giáo sư Song nhận định, thêm rằng dữ liệu y tế có thể lớn nhưng chúng ta chưa khai thác được.

Yếu tố quyết định, cũng là thách thức lớn nhất là con người, với sự e ngại thay đổi. Với bệnh án điện tử, quy trình từ chuyên môn, quản lý phải được xây dựng chuẩn. Trong khi không phải đơn vị nào, cá nhân nào cũng mong muốn việc đó. Thậm chí, có người còn mang tâm lý nếu thay đổi thì không còn được “làm tắt”, được bỏ qua các bước trong quy trình chuẩn hóa.

"Muốn ứng dụng AI, dữ liệu lớn, suy cho cùng cần giải quyết vấn đề: Con người tạo ra dữ liệu, số liệu chuẩn, bắt buộc phải thay đổi tư duy, tuân thủ quy trình chuẩn. Đó là nền tảng cơ sở để AI có thể 'học' và phát triển", Giáo sư Song nhấn mạnh.

Bệnh viện lớn chậm chuyển đổi số

Hồ sơ bệnh án điện tử là điểm cốt lõi trong chuyển đổi số y tế, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tối ưu hóa quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin, đồng thời đảm bảo tính chính xác và bảo mật dữ liệu.

Mới đây tại hội thảo về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, theo yêu cầu, khoảng 1.800 bệnh viện (công lập và tư nhân) trên cả nước phải hoàn tất chuyển đổi từ bệnh án giấy sang điện tử trước ngày 30/9. Tuy nhiên, đến nay chỉ 270 cơ sở thực hiện xong việc này, trong số này, không nhiều bệnh viện hạng đặc biệt hoặc cấp chuyên sâu.

Từ thực tiễn, Giáo sư Lê Hữu Song cho rằng, các bệnh viện càng lớn, càng chuyên sâu thì lại càng khó và chậm trong chuyển đổi số y tế.

“Một phòng mạch nhỏ, bệnh viện tư nhân nhỏ có thể áp dụng quy trình mới nhanh chóng, nhưng với bệnh viện lâu đời thì vô cùng khó khăn”, GS Song nói. Ông cho rằng mấu chốt vấn đề là “thay đổi tư duy”, trong khi thay đổi thói quen đơn vị càng lớn thì càng khó khăn.

Bác sĩ xem hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân trên máy tính, không phải rà từng trang trong tệp hồ sơ giấy. Ảnh: Võ Thu

Bác sĩ xem hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân trên máy tính, không phải rà từng trang trong tệp hồ sơ giấy. Ảnh: Võ Thu

Vì thế, dù bệnh viện quyết tâm nhưng việc chuyển đổi không dễ. Hơn nữa, bệnh viện có hàng chục nghìn quy trình chuyên môn khác nhau. Văn bản giấy không kết nối với nhau, muốn chuyển đổi số, sử dụng AI, các đơn vị từ lâm sàng, cận lâm sàng, đến dược, trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn... phải kết nối. “Chừng nào việc kết nối hoàn thiện thì hệ thống mới có giá trị”, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói.

Ông Song thẳng thắn nhìn nhận Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện mới ở giai đoạn bệnh án “máy tính hóa” chứ chưa phải bệnh án “điện tử”, do chưa sinh ra được dữ liệu từ nguồn nhập liệu ban đầu. Bệnh viện mới chủ yếu chuyển hồ sơ từ giấy lên máy tính, phấn đấu trước 15/9 có thể vận hành bệnh án điện tử hoàn thiện.

Các chuyên gia tính toán, trung bình mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư hơn 10 tỷ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với các bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Việt Đức, số tiền đầu tư còn lớn hơn rất nhiều.

Việc này bao gồm chi phí cho hạ tầng CNTT hiện đại, ổn định, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), quản lý xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS), cũng như các thiết bị phần cứng khác. Trong khi đó, chi phí CNTT (bao gồm chi phí triển khai và vận hành bệnh án điện tử) hiện chưa được kết cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị chuyên môn xây dựng quy định kết cấu chi phí ứng dụng CNTT trong giá dịch vụ khám chữa bệnh, cần hoàn thành trong tháng 6, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-benh-vien-cang-lon-chuyen-sau-cham-chuyen-doi-so-2424688.html