Lục vào trí nhớ

Gần 50 năm trước, Hội An thời đó không có những thú vui đa dạng như bây giờ. Ngoài giờ học, đám trẻ con chỉ biết túm tụm từng nhóm, chơi những trò được các anh chị dạy bày từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trò chơi “Đúc cây”. Tranh minh họa của họa sĩ Trần Công Thiệm.

Nhóm ít người thì chơi trò “Đúc cây” người chơi đặt nắm tay xen kẽ xếp chồng nhau lên cao dần. Tất cả cùng đọc to: “Đúc cây dừa/ Chừa cây mận/ Cây bí đao/ Cây tần ô/ Tay nào vô/ Tay nào ra”.

Theo nhịp đọc của từng từ, người cầm đầu lần lượt dùng ngón tay chỉ vào từng nắm tay của từng người chơi. Đến từ cuối cùng nếu chạm đúng nắm tay của người nào, người ấy phải rút nắm tay của mình ra. Cuộc chơi tiếp tục đến lúc còn lại nắm tay cuối cùng của ai thì người đó thắng.

Cũng cách chơi này ở vài xóm khác đám trẻ lại đọc bài đồng dao: “Xỉa cá mè/ Đè cá chép /Tay nào đẹp/ Đi bẻ ngô/ Tay nào to/ Đi dỡ củi/ Tay nào nhỏ/ Hái đậu đen/ Tay lọ lem/ Vào nhà rửa”.

Nhóm con gái lại hay chơi trò “Banh nẻ”. Từ nẻ ở đây có thể là từ thẻ đọc chệch theo âm địa phương. Bởi, trong trò chơi này dùng 10 chiếc đũa tre như những chiếc thẻ và một trái banh có thể là banh nhựa nhỏ, banh bàn, banh su (có độ đàn hồi). Luật chơi là người chơi đầu tiên tung banh cho nẩy xuống sàn, nhanh tay lượm một chiếc đũa rồi bắt lại trái banh, lần lượt lượm hết đũa sẽ chuyển sang chuyền.

Vừa chuyền vừa đọc: “Sang tay bó, sang tay cung/ Sang tay cung, sang tay chuyền/ Chuyền 1 - 1 đôi/ Chuyền 2 - 2 đôi/ Chuyền 3 - 3 đôi/ Chuyền 4 - 4 đôi/ Chuyền 5 - 5 đôi/ Lên chuyền/ Xuống nẻ/ Khẻ chưn/ Sưng giò/ Co cẳng/ Lẳng miếng đùi/ Lùi miếng thịt/ Xít chưn ra/ Ăn một ván nẻ/ Đi lại canh 1”, đến đây người chơi sẽ thắng cuộc. Nếu trong lúc chơi bị lỗi, sẽ chuyển sang cho người chơi khác.

Những cuộc chơi đông người thì có trò chơi “Rồng rắn lên mây”, trò chơi này có nhiều phiên bản khác nhau ở khắp nơi. Thời đó, ở xóm tôi hay chơi theo kiểu hai người nắm tay nhau đưa lên quá đầu tạo thành một chiếc bẫy chụp.

Những người còn lại nắm vạt áo, nối đuôi nhau đi qua chiếc bẫy chụp này, vừa đi vừa đọc: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bươi bếp/ Lấy nếp nấu xôi/ Lâu lâu lại lạy”. Đến từ cuối cùng, hai người kia sẽ hạ tay xuống như chiếc bẫy sụp, sụp trúng người nào, người đó sẽ thay người làm bẫy.

Trò chơi “Banh nẻ”. Tranh minh họa của họa sĩ Trần Công Thiệm.

Cũng trò chơi này, thỉnh thoảng chúng tôi lại đọc một bài đồng dao khác: “Thiên đàng địa ngục hai bên/ Ai khôn thì dại/ Ai dại thì khôn/ Đêm nằm nhớ Phật Thích Ca/ Đến khi gần chết/ Được lên thiên đàng”.

Nhớ mãi mấy câu đồng dao này, bởi nhóm trẻ theo đạo Phật thì đọc như vậy, nhưng nhóm theo Công giáo lại đọc câu thứ tư là: “Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha”, cãi nhau ỏm tỏi. Rồi để dàn hòa mấy đứa dân lương đề nghị sửa lại rằng: “Đêm nằm nhớ Mẹ nhớ Cha”, cho đề huề cả ba bên.

Vuốt hột nổ/ Đổ bánh xèo/ Xáo xác vạc kêu/ Nồi đồng vung méo/ Cái kéo thợ may/ Cái cày làm ruộng/ Cái thuổng đắp bờ/ Cái lờ thả cá/ Cái ná bắn chim/ Cái kim may áo/ Cái giáo đi săn/ Cái khăn bịt trốc/ Cái nốc đi buôn/ Cái khuôn đúc bánh/ Cái chén múc chè/ Cái ve múc rượu”.

Ở xóm tôi, trò chơi “Vỗ tay” một số nơi còn gọi là “Vuốt hột nổ” là trò chơi dành cho hai người ngồi đối diện nhau, lần lượt vỗ tréo tay với nhau tạo ra âm thanh tiếng pháo tay, vừa vỗ vừa đọc câu đồng dao trên. Nhiều lúc đọc lộn từ, hoặc vỗ trật tay lại ôm nhau ngã ngửa ra đất mà cười to.

Bây giờ, tuổi đã qua bên kia dốc cuộc đời, lục vào trí nhớ những mặt người trong trò chơi ngày cũ. Bạn bè nhiều đứa lạc miền sương trắng nơi đâu...

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/luc-vao-tri-nho-153576.html