Lục Ngạn: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,8%

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện năm 2024 đạt 73,8 %, tăng 18,2 % so với năm 2019.

Có được kết quả trên là do các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề. Đồng thời, nhận thức của người lao động và nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực.

 Đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại thôn Cà Phê, xã Tân Lập (Lục Ngạn) tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại thôn Cà Phê, xã Tân Lập (Lục Ngạn) tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Các hình thức dạy nghề đa dạng, phong phú, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường lao động và nhu cầu của người học nghề. Người lao động đã có ý thức chủ động tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được chú trọng, lực lượng lao động sau khi học nghề đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn, nhất là tại các xã vùng đồng bào DTTS, đặc biệt khó khăn.

Được biết, trong 5 năm qua, cơ quan chức năng của huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho hơn 3,1 nghìn lao động, tạo việc làm mới cho hơn 9,1 nghìn lao động và hỗ trợ 765 người DTTS đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2,3 nghìn phụ nữ DTTS làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh...

Trên địa bàn huyện có nhiều nông dân người DTTS nỗ lực vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, trở thành những điển hình như các ông: Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu, thôn Chão, xã Giáp Sơn với mô hình trồng vải thiều hữu cơ; Đặng Văn Hương, dân tộc Dao, thôn Na Lang, xã Phong Minh với mô hình trồng trà hoa vàng...

Nhiều hộ với tinh thần vượt khó, tự nguyện đăng ký vươn lên thoát nghèo như hộ các ông: Lý Văn Sị, Lý Văn Học, dân tộc Sán Chí, thôn Rãng, xã Sa Lý; Vi Văn Tuấn, dân tộc Nùng, thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân...

Nhiều hộ không chỉ sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ cùng vươn lên thoát nghèo bền vững, tiêu biểu như ông Thang Văn Năm, dân tộc Sán Dìu, thôn Bóm, xã Tân Quang với mô hình trồng cam ngọt tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động/năm với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng; ông Trịnh Sư Hòa, dân tộc Hoa, thị trấn Chũ với mô hình trồng cam, bưởi, đã hỗ trợ 20 hộ cùng phát triển kinh tế vườn đồi…

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-ty-le-lao-dong-qua-dao-tao-dat-73-8-142529.bbg