Lực lượng quản lý thị trường: Hướng tới chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại

Năm 2019 - năm thứ 62 trong lịch sử xây dựng và phát triển của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và cũng là một trong những năm tiền đề quan trọng xây dựng và kiện toàn hệ thống, từ cấp Tổng cục cho tới các cục tại các tỉnh, thành phố, địa phương. Một loạt các quyết định thành lập, bổ nhiệm nhân sự được thực hiện cùng với những chương trình đào tạo nhằm hướng tới một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp hiện đại.

Kiện toàn bộ máy nhân sự

Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg, bộ máy Tổng cục QLTT ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị là Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ QLTT. Tại địa phương, thành lập Cục QLTT cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương.

Công tác kiện toàn nhân sự - một trong những giải pháp quan trọng nhất

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, trong quý I-II/2019, công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục QLTT luôn được Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo sát sao và được xác định là công tác trọng tâm cần khẩn trương triển khai thực hiện để nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT.

“QLTT là lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên thị trường, từ cấp Trung ương đến cấp huyện, có phạm vi hoạt động, đối tượng kiểm tra, kiểm soát rất lớn, phức tạp và ảnh hưởng nhiều đối với phát triển kinh tế - xã hội. Những người giữ chức vụ lãnh đạo các cấp trong ngành cần am hiểu chính sách pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn về kiểm tra, kiểm soát thị trường, có năng lực quản lý, có khả năng chủ trì và phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, người được bổ nhiệm phải còn đủ thời gian công tác theo nhiệm kỳ và đáp ứng yêu cầu quy trình… nên việc bổ nhiệm không thể một sớm một chiều nhưng sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể, dự kiến trong quý III/2019” - ông Trần Hữu Linh khẳng định.

Thời điểm hiện tại, trải qua gần 8 tháng hoạt động theo mô hình mới, khắc phục những khó khăn về nhân sự, điều kiện thiếu thốn về trụ sở, kinh phí, trang thiết bị, lực lượng QLTT đã và đang triển khai quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường, không làm gián đoạn công tác chuyên môn tại 63 tỉnh, thành phố.

Triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

Tổng cục QLTT đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng QLTT cả nước tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương giao. Đáng chú ý, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo của cấp trên, kịp thời xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, các lĩnh vực, mặt hàng nóng cần được quản lý chặt chẽ như: Thịt lợn, tôm càng đỏ, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng đã được lực lượng QLTT tích cực triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân, môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp, để từ đó ổn định nền kinh tế - xã hội của đất nước…

Nâng cao cả chất và lượng

Song song với công tác kiện toàn nhân sự, sau khi thành lập Tổng cục QLTT, một trong những giải pháp quan trọng nhất được triển khai để tạo sự đột phá trong quản lý, điều hành là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước số hóa công tác QLTT theo đúng định hướng được Đảng, Chính phủ giao.

Cụ thể, để rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, Tổng cục QLTT đã thực hiện và chỉ đạo các cục QLTT khẩn trương triển khai nhiệm vụ theo đúng yêu cầu. Nhờ đó, đến tháng 3/2019, Tổng cục chính thức triển khai hai hệ thống email và văn bản điện tử (eDMS) theo mô hình tập trung, thống nhất trong toàn lực lượng.

Các ứng dụng CNTT được triển khai thống nhất, mỗi cán bộ trong toàn lực lượng được cung cấp 1 tài khoản để đăng nhập vào tất cả các hệ thống nhằm chủ động thực thi nhiệm vụ, rút ngắn thời gian giao, nhận, xử lý văn bản, đảm bảo kịp thời công tác chỉ đạo điều hành. Hiện nay, công tác số hóa kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đang được triển khai quyết liệt và đưa vào thực hiện từ ngày 1/7/2019.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT đang khẩn trương triển khai xây dựng các hệ thống ứng dụng CNTT như: Quản lý nhân sự, hệ thống báo cáo, kho dữ liệu…

Ngoài ra, công tác đào tạo chính quy lực lượng QLTT là một trong những mục tiêu trọng tâm. Tổng cục đã đưa ra những kế hoạch cụ thể ngắn hạn, dài hạn trong công tác đào tạo. Trước hết, tổ chức hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát trên nhiều lĩnh vực; đồng thời, liên kết tập huấn với đơn vị trong và ngoài nước về kinh nghiệm QLTT.

Về lâu dài, Tổng cục QLTT nghiên cứu, phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) mở chuyên ngành đào tạo QLTT. Dự kiến, năm 2020 chính thức tuyển sinh; số lượng ban đầu khoảng 50-60 học viên và sẽ nâng dần theo từng năm cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu của ngành.

Qua gần 8 tháng hoạt động theo mô hình mới, khắc phục những khó khăn về nhân sự, điều kiện thiếu thốn về trụ sở, kinh phí, trang thiết bị, lực lượng QLTT đã và đang triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không làm gián đoạn công tác chuyên môn tại 63 tỉnh, thành phố.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luc-luong-quan-ly-thi-truong-huong-toi-chinh-quy-chuyen-nghiep-hien-dai-121840.html