Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP

Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ

Báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ DN để bàn về nhiệm vụ, giải pháp để DN tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới; ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 40 năm đổi mới, DN nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn DN đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh.

Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng DN đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Điển hình như việc sửa đổi 04 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP và Đầu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho DN.

Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cơ sở rất quan trọng giúp DN xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp. Những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp cộng đồng DN khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh,

Cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, đáng khích lệ, thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Nước ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về Kỷ nguyên phát triển mới và mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.

Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng DN nói chung, đội ngũ DN tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mục tiêu, yêu cầu phát triển đặt ra trong thời gian tới cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng DN.

Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gợi mở 6 định hướng và giải pháp như sau:

Một là, phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của DN nói chung, DN tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN.

Ba là, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội.

Bốn là, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển DN dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Sáu là, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho DN. Tạo điều kiện cho DN nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luc-luong-doanh-nghiep-dong-gop-khoang-60-gdp-409085.html