Luật sư Phan Văn Trường trọn vẹn tấm gương trí thức tiên phong

Cuộc đời của Phan Văn Trường trọn vẹn là tấm gương trí thức tiên phong và kiên định trên con đường cứu nước bằng chính trí tuệ, phẩm cách của một luật gia phụng sự không mệt mỏi cho nền dân chủ.

Đó là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc tại tọa đàm “Vai trò của Luật gia, Luật sư, Doanh nhân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh” diễn ra ngày 8/10 nhân kỷ niệm 10 năm ngày Pháp luật Việt Nam; 78 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2023).

“Ông tổ” nghề luật và sự lựa chọn dấn thân

Luật sư Phan Văn Trường sinh năm 1876 tại xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội), trong gia đình khoa bảng. Ông nổi tiếng thông minh và chăm chỉ.

Ra đời trong hoàn cảnh đất nước cơ bản đã mất vào tay thực dân Pháp, là người học thức, ông có 2 lựa chọn. Thứ nhất, cầm vũ khí tiếp tục đánh Pháp như những người kế tục phong trào Cần Vương (từ năm 1885) kéo dài đến thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Thứ hai, chấp nhận hoàn cảnh của đất nước nhưng dấn thân tìm con đường cứu nước gắn với những trào lưu đang diễn ra trên thế giới phù hợp thời đại.

 Luật sư Phan Văn Trường, luật sư đầu tiên của Việt Nam.

Luật sư Phan Văn Trường, luật sư đầu tiên của Việt Nam.

Tốt nghiệp Trường thông ngôn, làm phiên dịch cho Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, khi 32 tuổi, Phan Văn Trường du học Pháp. Ông theo học ngành Luật tại Đại học Sorbonne, Paris, rồi trình luận án Tiến sĩ và hành nghề luật sư.

Phan Văn Trường trở thành tiến sĩ luật học và là luật sư đầu tiên của Việt Nam, được giới luật gia và luật sư cả nước tôn vinh “Tổ nghề”. Năm 1912, ông tham gia đoàn luật sư Paris và hành nghề ở Tòa Thượng thẩm.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sự lựa chọn của luật sư Phan Văn Trường cho thấy, chí hướng của ông đã hình thành khi ông làm việc trong bộ máy cai trị của thực dân, nhận ra lợi ích của pháp luật và sự bất công đối với đồng bảo của mình phải chịu đựng, bởi những chính sách cai trị chà đạp lên pháp luật của chính quyền thuộc địa...

Từ đó, ông luôn hướng tới mục tiêu đòi hỏi và bảo vệ quyền của con người, nền tảng pháp lý của một nền dân chủ, dù còn nhiều hạn chế của chủ nghĩa tư bản thời sở hữu các thuộc địa. Định hướng ấy cũng nói lên khao khát của người dân một thuộc địa của nước Pháp đang "một cổ hai tròng", cùng luật pháp khắc nghiệt của chế độ quân chủ.

Luận án của Phan Văn Trường tập trung khá kỹ vào Bộ luật Gia Long (bị coi là sự sao chép bộ Luật của nhà Thanh mà bản chất là của tộc người ở Mãn Châu lạc hậu) bên cạnh những bộ Luật của nước Pháp được áp dụng một cách "què quặt" bởi chính quyền thực dân đối với những "thần dân thuộc địa" ở Nam Kỳ và một số thành phố ở Trung và Bắc Kỳ (là xứ bảo hộ). Phan Văn Trường đã vào "lăng Tây" (nhập quốc tịch Pháp) nên càng cảm nhận được thân phận người dân thuộc địa.

Với việc chọn một vị thế xã hội và nghề nghiệp như vậy, Phan Văn Trường vừa thấm nhuần nền dân chủ tư sản của nước Pháp vừa thấy được những bất công mà đồng bảo của mình phải chịu đựng. Đấu tranh cho sự công bằng và quyền sống của con người chính là nền tảng để hình thành "chủ nghĩa yêu nước" của ông.

Từ bỏ tất cả, về nước đấu tranh cho độc lập dân tộc

Cũng chính bởi điều này, khi gặp nhà ái quốc Phan Châu Trinh tại Paris, Phan Văn Trường đã như tìm được người cùng chí hướng.

Tổ chức "Hội Đồng bào Thân Ái" do hai nhà yêu nước họ Phan là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập tại Paris là tổ chức đầu tiên của cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Pháp, cũng là nơi để bày tỏ tình cảm yêu nước, động lực quan trọng nhất hình thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.

Cái tên Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành bộ ba thường xuyên có mặt trong các báo cáo mật của cơ quan an ninh Pháp.

 Bản yêu sách của nhân dân An Nam viết bằng Pháp ngữ được cho là do Phan Văn Trường viết.

Bản yêu sách của nhân dân An Nam viết bằng Pháp ngữ được cho là do Phan Văn Trường viết.

Năm 1917, Phan Văn Trường cùng với Nguyễn Ái Quốc thành lập và chỉ đạo “Hội những người Việt Nam yêu nước”. Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles. Chính Phan Văn Trường là người công bố Bản yêu sách bằng tiếng Pháp trên các báo ở Paris - một văn bản có giá trị khiến Chính phủ Pháp phải bối rối.

Cuối năm 1923, ông từ bỏ tất cả về nước tiếp tục đấu tranh cho độc lập dân tộc. Ông kết hợp giữa pháp lý với báo chí để chiến đấu. Ông đã tham gia một số hoạt động trong Ban nghiên cứu thuộc địa và viết nhiều bài đăng báo Le Paria (Người cùng khổ) - tờ báo do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Người tiên phong đưa trào lưu tư tưởng chính trị mới về Việt Nam

Ông mở một văn phòng luật sư tham vấn ở Sài Gòn. Một mặt hành nghề luật sư, một mặt ông cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Feleé) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn để đấu tranh chống thực dân Pháp.

Vẫn với lòng ái quốc nồng nàn, tinh thần đấu tranh cho lợi ích của đồng bào và đặc biệt là truyền bá những tri thức và phẩm chất của đời sống chính trị hiện đại giúp cho người Việt Nam theo kịp với tiến bộ trên thế giới mà xu thế dân chủ hóa đang tác động mạnh mẽ.

Phan Văn Trường đã là người tiên phong đưa các trào lưu tư tưởng chính trị mới về Việt Nam trong đó có những tư tưởng cánh tả của nước Pháp mà đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản.

Những bài báo trên hai tờ báo này đều công khai tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, lên án mạnh mẽ chính sách của người Pháp ở Đông Dương.

Chính trên tờ báo của mình, chủ bút Phan Văn Trường không chỉ đăng những tin tức lấy từ cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp ("L'Humanité") mà còn đăng nguyên văn tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa cộng sản đương thời "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản" (Manifestation du Communisme) của K.Marx và F.Engels...

Chính vì lẽ đó, ngày 25/7/1927, thực dân Pháp đã một lần nữa bắt và ghép cho ông tội “xúi giục người bản xứ chống đối và dấy loạn”. Tờ báo L'Annam bị ngừng xuất bản một thời gian.

Ngày 12/1/1928, tờ báo lại tiếp tục xuất bản. Trước thái độ kiên cường ấy, Thống đốc Nam Kỳ đã truy tố và bỏ tù tất cả Ban giám đốc và cộng sự của tờ báo. Ông bị giam tại nhà lao ở Pháp đến năm 1931 mới mãn hạn tù và trở về Sài Gòn. Ông lại tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ ngay sau khi ra tù.

Mời quý độc giả xem video:"Kỷ niệm 40 năm Vusta". Nguồn: Kiến Thức.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/luat-su-phan-van-truong-tron-ven-tam-guong-tri-thuc-tien-phong-1912728.html