Chùa Một Cột - Kiến trúc cổ độc đáo
Kinh thành Thăng Long tráng lệ với bao cung điện nguy nga, lầu son gác tía của biết bao vương triều chỉ còn trong hoài niệm người Việt Nam
Giờ đây, những gì để ta chiêm bái chỉ là những mảnh sành, mảnh gốm tìm thấy dưới lòng đất thủ đô. Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận định: “Cung điện nghìn cột mẹ cột con đá tảng hoa sen lưng rùa khắc tạc lại yểu thọ hơn ngôi chùa gỗ cắm một cột xuống ao bùn”.
Thật đúng vậy, nếu tìm biểu trưng cho Thăng Long-Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay tới hai hình ảnh: Chùa Một Cột và Khuê Văn Các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Chùa Một Cột nổi tiếng không chỉ trong nước mà được cả thế giới biết đến bởi kiến trúc vô cùng độc đáo.
Ngày nay, chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích quan trọng, gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá Bác Hồ. Từ giữa hồ sen hình vuông, vươn lên cột đá cao hai trượng, chu vi chín thước, đỡ lấy tòa sen cũng chính là một ngôi chùa nhỏ, thờ Quan Âm Bồ tát.
Tương truyền chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất (năm 1049).
Truyền thuyết kể rằng: Vua Lý Thái Tông tuổi đã cao mà vẫn chưa có con trai để kế nghiệp lớn. Một đêm hoàng thượng chiêm bao thấy Phật Bà ngự trên tòa sen, trao cho ngài một đứa con trai. Quả nhiên sau đấy hoàng hậu mang thai rồi sinh hạ hoàng tử.
Nhớ ơn Phật Bà, vua Lý Thái Tông cho dựng một ngôi chùa độc đáo, kiến trúc chùa giống một tòa sen nhô lên từ mặt nước, đặt tên là Liên Hoa đài. Khánh thành chùa, nhà vua cung thỉnh tất cả Tăng Ni, Phật tử khắp kinh thành Thăng Long đứng xung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày bảy đêm.
Vua lại cho dựng thêm bên cạnh một ngôi chùa lớn mang tên Diên Hựu. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu lại chùa Một Cột, dựng thêm cạnh đó ngọn tháp bằng đá trắng cao 13 trượng. Chùa là nơi để đức vua, hoàng thân tụng kinh niệm Phật.
Sách Việt sử lược chép: Vào năm 1108, nhà vua cho đúc một quả chuông đồng vô cùng lớn, nặng mười hai tấn, tôn vinh là Giác Thế chung (chuông thức tỉnh người đời), đem treo trên một phương đình xây bằng đá xanh, tọa lạc cạnh chùa Một Cột. Đáng tiếc là chuông đúc xong đánh lại không kêu, nên đành đem vứt bỏ ngoài ruộng hoang. Tương truyền, chuông bị lãng quên lâu ngày, rùa vào trong làm tổ nên người đời mới gọi là chuông Quy Điền - một trong Thiên Nam tứ đại khí lừng danh trong lịch sử.
Năm 1922, chùa Một Cột được Trường Viễn Đông Bác Cổ trùng tu lại. Trước đêm thực dân Pháp phải trao trả lại Hà Nội cho chính phủ nước ta, chúng đã đang tâm đặt mìn phá tan chùa. Năm 1954, nhân dân ta đã phục dựng lại chùa Một Cột theo đúng nguyên mẫu của ngôi chùa cổ xưa.
Chùa Một Cột được xem là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Việt Nam. Chính vì sự độc đáo này mà nhiều nơi trên đất nước ta đã và đang xây những phiên bản của ngôi chùa Một Cột: ở Thành phố Hồ Chí Minh có phiên bản mang tên chùa Nam Thiên Nhất Trụ và chùa Đào Xuyên, Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc... cũng có phiên bản của chùa Một Cột.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét: “Chùa tuy không còn yếu tố vật chất nào cổ, nhưng những giá trị phi vật thể vẫn nguyên vẹn như thuở xa xưa”. Một ngôi chùa tưởng như rất nhỏ bé mong manh, có lẽ cả thế giới chỉ Việt Nam mới có ngôi chùa kiến trúc siêu nhỏ như vậy nhưng giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, lại trường tồn cùng dân tộc.
Một ngôi chùa giữa hồ nước chỉ đủ chỗ cho mấy bát hương, một pho tượng, không tường hào, không tháp chuông, không cổng tam quan nhưng vẫn uy nghiêm trong tâm linh dân tộc, là hình ảnh biểu trưng của thủ đô, vững vàng trong dòng thời gian bất tận.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/chua-mot-cot-kien-truc-co-doc-dao-post22.html