Luật sư nói gì về đề xuất được bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Luật sư cho rằng cần nghiên cứu thêm về đề xuất được bán ngay nếu có căn cứ cho rằng nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng.

Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Đáng chú ý, về quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép và chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, đơn vị soạn thảo đề xuất được bán ngay nếu có căn cứ cho rằng nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản (chi tiết tại đây).

 Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung có thêm quy định về hình thức xử lý xe vi phạm.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung có thêm quy định về hình thức xử lý xe vi phạm.

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm về đề xuất mới này của Dự thảo. Theo Luật sư Mạch, về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chỉ quy định về quy trình xử lý khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng (trong đó chia theo trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu).

Ngoài ra chưa có quy định về việc xử lý khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ bị hư hỏng, không bán được, hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản trong quá trình xác minh.

Để khắc phục bất cập trên, vừa qua Bộ Tư pháp đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025. Trong đó, Dự thảo đã bổ sung quy định theo hướng: Trong thời gian xác minh người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền quyết định việc tổ chức bán ngay nếu không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản, hoặc tang vật, phương tiện đó có nguy cơ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng.

Quy định này được áp dụng đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội (điểm a, điểm b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Tôi cho rằng quy định trên có điểm tích cực là góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài do tình trạng tồn đọng, quá tải trong công tác bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, đồng thời giúp tránh nguy cơ gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tuy nhiên, theo Luật sư Võ Đan Mạch xem xét một cách toàn diện, Luật sư cho rằng quy định trên tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể thứ nhất, việc tài sản bị bán một cách nhanh chóng trong khi quá trình xác minh người vi phạm, chủ sở hữu hoặc nguồn gốc tài sản vẫn chưa hoàn tất có thể khiến chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để thực hiện các quyền khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết. Thậm chí, điều này có thể gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của họ nếu tài sản, phương tiện đó là công cụ mưu sinh hoặc là tài sản có giá trị lớn.

Thứ hai, giá bán của phương tiện có thể thấp hơn giá trị thực tế, dẫn đến thiệt hại tài chính cho chủ sở hữu tài sản.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-su-noi-gi-ve-de-xuat-duoc-ban-ngay-tang-vat-phuong-tien-vi-pham-hanh-chinh-post845486.html