Luật Công nghiệp trọng điểm: Thể chế hóa các chủ trương phát triển công nghiệp
Luật Công nghiệp trọng điểm khi được ban hành kỳ vọng tạo ra cơ chế và chính sách đột phá, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp.
Đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp phát triển
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Nghị quyết đại hội Đảng XIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm, định hướng: Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ” và “ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù. Do vậy, thời điểm này thích hợp để cho ra đời dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.
Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các ngành dự kiến được xác định trên cơ sở các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Cụ thể là: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ do Chính phủ ban hành.
Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam cần đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng để phù hợp với các tiêu chuẩn, quy tắc quốc tế. Việc xây dựng một thể chế phát triển công nghiệp theo hướng phát triển bền vững cũng sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế chung của quốc tế, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong tương lai.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ quy định các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chủ động chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh. Cùng với đó, tạo cơ hội tiếp cận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình phát triển bền vững để mở rộng khả năng vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường quốc tế hiệu quả hơn. Thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Ưu tiên phát triển công nghiệp tư nhân -động lực quan trọng
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần những chính sách mang tính chất hỗ trợ chung, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ định rõ các quy định và chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Việc có một khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển và đầu tư vào các ngành này. Luật Công nghiệp trọng điểm cũng tạo động lực mới cho doanh nghiệp, thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Đặc biệt, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ quy định các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chủ động chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh. Cùng với đó, tạo cơ hội tiếp cận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình phát triển bền vững để mở rộng khả năng vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường quốc tế hiệu quả hơn. Thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Đáng chú ý, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp; đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước.
Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu; xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp.
Triển khai các giải pháp nhằm khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản để huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.
“Mục tiêu của những giải pháp nêu trên nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh từ nội lực các ngành công nghiệp của đất nước, tạo đột phá thúc đẩy phát triển và hiện đại hóa nền công nghiệp quốc gia trong thời gian tới”, ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.
Thực hiện định hướng, chủ trương mới của Đảng; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ Luật Công nghiệp trọng điểm, đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội theo quy định.