Lúa 'ông tướng'
Xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa) nổi tiếng là vùng đất học, 'cái nôi' sinh ra, nuôi dưỡng và cống hiến cho quê hương đất nước nhiều người tài đức. Tự hào hơn nữa, những người con ấy, dù khát vọng công danh sự nghiệp có đưa họ đi tới nhiều vùng đất mới nhưng tấm lòng họ vẫn luôn đau đáu về quê cha đất tổ. Họ luôn giữ trong tâm ý nguyện góp sức mình làm giàu đẹp cho quê hương. Ví như câu chuyện về thiếu tướng Nguyễn Đức Long – người nhiệt tình, tâm huyết đưa giống lúa mới về với bà con nông dân của xã Hoằng Lộc thử nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế.
Bà Bằng hào hứng chia sẻ câu chuyện xoay quanh giống lúa “ông tướng” – LH12.
Về xã Hoằng Lộc hỏi bất kỳ người nông dân nào về giống lúa “ông tướng”, ai ai cũng hồ hởi chuyện trò, giới thiệu. Bởi đó là niềm vui, niềm tự hào của người dân nơi đây trước tấm lòng của thiếu tướng Nguyễn Đức Long – một người con xa quê luôn trăn trở nhớ về nguồn cội. Cách đây khoảng 4 - 5 năm về trước, chính ông Long là người đã tận tay trao tặng cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Hoằng Lộc giống lúa thuần LH12 (quê hương của ông Long) tiến hành trồng khảo nghiệm trên diện tích khoảng 10 – 15 ha. Không chỉ đầu tư giống cho bà con gieo trồng, ông Long còn in ấn tài liệu giới thiệu tổng quan về đặc điểm, điều kiện, kỹ thuật chăm sóc giống lúa này để HTX phổ biến tới bà con nhân dân.
LH12 là giống lúa do TS. Hoàng Thị Lan Hương (Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và TS. Nguyễn Thiên Lương (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tuyển chọn theo phương pháp chọn lọc cá thể và phân lập dòng thuần từ nguồn giống nhập nội của IRRI (10L204) năm 2010. Thời điểm đó, giống lúa LH12 được đánh giá là giống có triển vọng trong bộ giống lúa chất lượng so với Bắc Thơm số 7 và Hương Thơm số 1. Giống lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh trung bình, phù hợp với nhiều loại chân đất, chịu thâm canh khá. Khả năng chống đổ trung bình, chống chịu khá với hầu hết các loại sâu bệnh hại chính trên lúa (đạo ôn, khô vằn, bạc lá...).
Qua quá trình đánh giá sơ bộ về điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác của địa phương, HTX DVNN xã Hoằng Lộc sau khi tiếp nhận nguồn giống, tài liệu sản xuất đã tiến hành khảo sát, lựa chọn một số thôn thí điểm triển khai gieo cấy. Tiếp thu kỹ thuật canh tác sản xuất được phổ biến cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, nhân viên HTX, các thôn được chọn thí điểm hào hứng bắt tay vào sản xuất. Anh Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc HTX DVNN xã Hoằng Lộc nhận định: “Sau một thời gian triển khai cho một số thôn thí điểm sản xuất, kết quả thu được cho thấy giống lúa LH12 cho năng suất khá cao so với mặt bằng chung gieo cấy các giống lúa khác của xã lúc bấy giờ. Năng suất vụ chiêm xuân đạt khoảng 60 tạ/ha. Năng suất vụ mùa đạt khoảng 50 tạ/ha, hạt gạo trọng, trắng, nấu thành cơm dẻo, thơm, ngon. Các hộ sản xuất ghi nhận giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện, kỹ thuật canh tác nên họ rất phấn khởi, đăng ký tiếp tục gieo cấy các mùa vụ sau”.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ HTX DVNN xã Hoằng Lộc, chúng tôi ghé thăm gia đình cô Nguyễn Thị Huệ - Đội trưởng Đội sản xuất thôn Đông Phú để được nghe thêm những chia sẻ xoay quanh tên gọi lúa “ông tướng” hết sức thú vị này. Cười vui vẻ, cô Huệ giải thích: Thực ra, có nhiều người đã gieo trồng cả mấy năm nay nhưng khi được hỏi lại không hề biết về sự tồn tại của giống lúa LH12. Hầu hết mọi người đều gọi bằng cái tên lúa “ông tướng”, gắn với sự kiện thiếu tướng Nguyễn Văn Long trao tặng giống cho bà con sản xuất. Theo cô Huệ, khi ấy, HTX triển khai thí điểm gieo cấy giống lúa “ông tướng” ở thôn Đồng Thịnh đầu tiên. Sau thấy thu được kết quả khả quan thì tiếp tục chia về cho các “ông đội”, “bà đội” làm, ưu tiên cho những đội nào nhiều diện tích đất sản xuất. Mỗi “ông đội”, “bà đội” nhận từ HTX 2 kg lúa về gieo cấy thử, trong đó có gia đình cô. Năm đầu tiên gieo cấy lúa “ông tướng”, cô ước tính sản lượng khoảng 2,7 – 3 tạ/sào. Nhận thấy năng suất lúa tương đối cao, cô động viên các hộ khác trong đội tích cực nhân giống. Cô Huệ đổi cho đội khoảng 70 kg giống lúa “ông tướng”, chia được cho 8 hộ cùng sản xuất. Từ đó, theo nhiều hình thức khác nhau như: Trao đổi, buôn bán, giống lúa “ông tướng” tiếp tục được nhân rộng sản xuất trên phạm vi toàn xã.
Không thuộc diện được chia giống như gia đình cô Huệ, gia đình bà Hoàng Thị Bằng (thôn Phúc Lộc, xã Hoằng Lộc) mua giống lúa “ông tướng” từ các hộ đã sản xuất từ trước để gieo cấy. Đến nay, gia đình bà Bằng được đánh giá là một trong những hộ sản xuất lúa “ông tướng” nhiều và lâu năm. Từ hơn 10 kg lúa giống ban đầu, gia đình bà Bằng gieo trồng trên 5 sào ruộng với sản lượng năm đầu tiên khoảng 3 tạ/sào. Các năm sau, sản lượng lúa cũng không có sự biến đổi nhiều nhưng giá thành khi bán ra thị trường lại có phần “nhỉnh” hơn vì nhiều người thích vị thơm, ngon của loại gạo này. Bởi thế, mặc dù hiện nay, trên thị trường có nhiều giống lúa mới, cho năng suất cao hơn nhưng gia đình bà Bằng vẫn “trung thành” gieo cấy lúa “ông tướng”. Điều quan trọng hơn, bà Bằng bảo: “Muốn tiếp tục giữ lại giống lúa “ông tướng” như cách lưu giữ câu chuyện đẹp về người con ưu tú của quê hương”.
Tên gọi lúa “ông tướng” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân xã Hoằng Lộc, lưu lại trên miền đất học câu chuyện về tấm lòng thơm thảo của một người nặng tình quê, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lua-ong-tuong/105749.htm