Lũ chồng lũ, miền Trung oằn mình chống chọi
15 công nhân đang bị vùi dưới lớp sâu đất đá do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) chưa được tìm thấy. Cùng với tang lễ 13 Liệt sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ ở Rào Trăng 3, đồng bào, chiến sĩ cả nước lại phải đón nhận tin dữ từ Quảng Trị khi 22 cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 lại bị sạt lở vùi lấp.
Đồng đội đang nằm dưới đó!
Rạng sáng 18/10, đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4; ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khiến 22 cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp, 5 người bị thươngThông tin mới nhất, tính đến tối ngày 18/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 14 thi thể trong vụ sạt lở đất, vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337). Công tác cứu hộ, cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn vì đường vào hiện trường có nhiều điểm sạt lở, gây chia cắt, khối lượng đất đá vùi lấp quá lớn.Trời Quảng Trị mưa như trút nước gây sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm ở tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dẫn vào khu vực sạt lở nên các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận hiện trường. Để thông tuyến, hàng chục xe múc, xe ủi, xe ben… nhanh chóng được huy động để xử lý các điểm sạt lở. Bộ đội phải vượt núi mở đường vào hiện trường khẩn trương tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Cứ mỗi khi nhận tin tìm thấy thi thể một cán bộ, chiến sĩ là lòng đau như cắt. Có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng động viên các lực lượng, đơn vị và đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta cần khẩn trương tìm kiếm thi thể các nạn nhân và thông đường để đưa phương tiện cơ giới vào hiện trường, nhưng nhất định phải đảm bảo an toàn!”. Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết: “Chúng tôi đã có phương án bảo đảm an toàn, rút ngay lực lượng cứu hộ ra khỏi hiện trường nếu có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã điều động 2 trực thăng sẵn sàng tới hiện trường để kịp thời cung ứng thuốc men, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các khu vực bị cô lập do sạt lở”. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, đến khoảng 16 giờ, lực lượng chức năng đã thông đường vào thôn Cợp, do đó Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn được dời từ thị trấn Khe Sanh đến thôn Choa, xã Hướng Phùng để gần hiện trường hơn.Đi cứu hộ, Trung úy Công an tử vong, 4 người mất tíchNgày 18/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, công tác tìm kiếm 11 người mất tích (gồm 7 người dân và 4 người đi tìm kiếm) trên địa bàn xã Hướng Việt (giáp xã Hướng Phùng, nơi xảy ra vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337), huyện Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn do địa bàn bị chia cắt, sạt lở. Trước đó, vào tối ngày 17/10, nhận được tin báo có 7 người dân đi làm rẫy bị mất liên lạc, chính quyền xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa cử tổ cán bộ xã gồm 7 người đi tìm kiếm. Trên đường đi do gặp lũ dữ khiến một Thượng úy, Công an viên trong tổ tìm kiếm cứu nạn tử vong, 2 người khác bị thương nặng gồm Chủ tịch UBND xã và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt; 4 người khác vẫn đang mất tích.Cũng theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng: Công tác cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm 11 người bị mất tích đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn bị chia cắt vì sạt lở chưa thể tiếp cận được. Tỉnh đã tính đến phương án xin hỗ trợ trực thăng của Bộ Quốc phòng..Thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 20 người chết, 27 người mất tích. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ: “10 ngày, lượng mưa tại Quảng Trị bằng cả năm, xảy ra 3 đợt lũ lụt. Làm sao kịp trở tay!”.Mưa trắng trời kéo dài từ đêm 16/10 khiến Quảng Trị phải hứng chịu đợt lũ lụt kinh hoàng. Đỉnh lũ ghi nhận ở TP Đông Hà vượt mốc lịch sử năm 1983 đến 0,43m, tại thị xã Quảng Trị là 0,31m. Hàng chục ngàn ngôi nhà bị chìm trong nước. Đỉnh điểm là đêm 17/10, nước lên rất nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Làm sao thống kê hết bao nhiêu tài sản là mồ hôi, nước mắt của người dân Quảng Trị đã bị nước cuốn trôi!Lũ lụt đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn Quảng Trị bị sạt lở, hư hỏng và chia cắt. Tại Quốc lộ 15D, có vị trí sạt taluy âm lấn sâu vào 1/3 mặt đường. Tuyến Quốc lộ 9D xuất hiện nhiều hố sụt. Tuyến Quốc lộ 49C đang ngập nhiều đoạn. Quốc lộ 9 sạt lở nhiều đoạn, đặt biệt tại vị trí Km51+00 (Hướng Hóa), Km50+150 (Đakrông).Ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND trong đó yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 13/CĐ-UBND ngày 16/10/2020 của UBND tỉnh về triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Các địa phương, đơn vị kịp thời rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất; tuyên truyền, vận động những hộ dân ở các khu vực nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn, không được chủ quan, lơ là, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng; Có giải pháp khắc phục tạm thời tại các khu vực xung yếu bị sạt lở; Lập hàng rào, biển báo đảm bảo an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở…Tiếp tục huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm và bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân phải di dời, không để người dân bị đói, rét…
Khẩn trương các phương án cứu hộ và tiếp tếCùng với việc cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế tại những địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các lực lượng chức năng đã tổ chức 2 mũi cứu hộ bằng đường sông và đường bộ với lực lượng gần 1.000 người và hơn 150 xe cơ giới các loại cho thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên – Huế).Mặc dù nước sông Bồ vẫn chảy mạnh, nhưng các lực lượng vẫn bằng mọi biện pháp kết hợp đường bộ, đường thủy để tìm kiếm cứu hộ và tiếp tế lương thực cho những người còn ở lại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Được biết, lương thực thực phẩm tiếp tế đảm bảo duy trì trên 10 ngày.Cùng với đó, các lực lượng tiếp tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm 15 công nhân vẫn đang mất tích do vụ sạt lở ở thủy điện này, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.Sáng 18/10, sau khi viếng lễ tang 13 liệt sĩ tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Quân khu IV về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sông Rào Trăng; khắc phục thiệt hại do mưa bão.Sau khi nghe địa phương và các lực lượng báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ, trong đó có các cán bộ, chỉ huy, chiến sĩ trong quân đội. “Chưa bao giờ cùng lúc chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những cống hiến, hy sinh của các đồng chí” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Công an, các Bộ, ngành cùng với các địa phương huy động nhân lực, phương tiện để tìm kiếm các nhạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 và vụ sạt lở tại Quảng Trị trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.Các địa phương, đặc biệt các tỉnh miền Trung, tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm để chủ động sơ tán người dân, công nhân tại các công trình đang thi công. Kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men.Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh tại vùng ngập lụt; Bộ NN&PTNT, Công Thương phối hợp với các địa phương để kiểm tra an toàn hồ đập, vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn cho hạ du, đồng thời giữ nước hợp lý cho sản xuất; Bộ TN&TM theo dõi sát sao diễn biến của thiên tai…Kích hoạt rủi ro thiên tai tại miền Trung ở mức cao nhấtTại cuộc họp ngày 18/10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã thống nhất kích hoạt cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 4 đối với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Đây là cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất trong phạm vi mưa lũ ngoài lưu vực sông Hồng – Thái Bình.Thông tin tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lũ trên nhiều tuyến sông tại khu vực miền Trung hiện đã vượt báo động 3. Trong đó, lũ trên sông Thạch Hãn vượt ngưỡng lịch sử năm 1999. Dự báo, từ ngày 18/10 đến ngày 20/10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Đặc biệt tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).Cùng với đó, ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Khê, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà (Quảng Trị); Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, thành phố Hội An (Quảng Nam).Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, diễn biến thiên tai thời gian tới còn rất phức tạp. Mức độ ảnh hưởng có khả năng sẽ còn lớn hơn. Do đó, Ban Chỉ đạo đã thống nhất, quyết định kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4. Đây là mức cảnh báo cao nhất đối với mưa lũ, ngập lụt ngoài phạm vi hệ thống sông Hồng – Thái Bình. Việc nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lũ, sạt lở đất nhằm huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân trong công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Mưa bão đã làm 27 người chết, gồm: 12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong Đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 -Trạm Kiểm lâm sông Bồ, 15 người đang mất tích tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 hiện chưa liên lạc được; 13 người bị thương. Ngoài ra, hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ tại Thừa Thiên Huế ước tính đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.
Ngày 18/10, lễ tang 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng đã được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (Thừa Thiên - Huế). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại lễ tang từ sớm để thắp hương và chia buồn với gia đình các cán bộ, chiến sĩ. Viết trong sổ tang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ lòng tiếc thương: “Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ vì nước vì dân. Xin vĩnh biệt những người con của Tổ quốc Việt Nam. Xin chia sẻ mất mát đau thương với gia đình và người thân của các đồng chí”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lu-chong-lu-mien-trung-oan-minh-chong-choi-399211.html